Top

Giá bán xi măng nội địa ổn định, giá xuất khẩu giảm

Cập nhật 29/10/2015 14:34

Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không ngừng tăng, giá cước vận tải tăng nhưng giá bán xi măng (XM) cơ bản giữ ổn định, không tăng từ đầu năm 2015 đến nay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giá XM nội địa không tăng

Đợt tăng giá cuối cùng được ghi nhận là cuối năm 2014 với mức tăng 50.000 đồng/tấn XM. Nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, giá bán các chủng loại XM cơ bản ổn định.

Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, giá bán lẻ XM hiện phổ biến từ 1.050.000 - 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 - 1.850.000 đồng/tấn.

Cụ thể giá bán lẻ PBC 30 của Vicem Hoàng Thạch tại Hà Nội là 1.430.000 đồng/tấn; Vicem Bút Sơn là 1.370.000 đồng/tấn; PCB 30 của XM Phúc Sơn là 1.270.000 đồng/tấn, trong khi giá bán cùng loại của XM Duyên Hà là 1.050.000 đồng/tấn.

Giá bán PCB 40 của Vicem Tam Điệp là 1.320.000 đồng/tấn; Vicem Bút Sơn là 1.400.000 đồng/tấn; PCB 40 của XM Duyên Hà là 1.130.000 đồng/tấn. XM đặc dụng xây trát MC 25 của Vicem Hoàng Thạch được bán với giá 1.020.000 đồng/tấn, MC 25 của Vicem Bút Sơn là 1.000.000 đồng/tấn.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết: Giá bán XM của Vicem trong năm 2015 ổn định, không tăng. Giá các chủng loại XM phổ biến trên thị trường như XM bao PCB 30, PCB 40 tại các nhà máy thuộc Tổng công ty ổn định trong 9 tháng đầu năm 2015 và từ nay đến cuối năm 2015 giá bán cũng sẽ ổn định, không tăng.

Nguyên nhân giá bán XM Vicem nói chung và XM trên toàn quốc nói riêng cơ bản ổn định, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem là do nguồn cung lớn, thị trường xuất khẩu XM gặp khó khăn, mặc dù nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng nhưng các doanh nghiệp XM phải thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất để giữ ổn định giá bán trên thị trường.

Giá xuất khẩu giảm

Theo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, ước 10 tháng đầu năm 2015, tiêu thụ nội địa của toàn Vicem tăng 8 - 9%, trong khi xuất khẩu giảm đáng kể. Là doanh nghiệp XM lớn nhất Việt Nam giữ vai trò đầu tàu, bình ổn thị trường, Vicem không xuất khẩu bằng mọi giá, không muốn phá giá xuất khẩu.

“Vicem không xuất khẩu bằng mọi giá để giữ giá cho thị trường xuất khẩu XM của Việt Nam không tụt xuống quá sâu” - ông Khải nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, 9 tháng của năm 2015, ngành xi măng mới xuất khẩu được gần 12 triệu tấn sản phẩm, giảm gần 26% về lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014 với tổng giá trị 520 triệu USD.

Thị trường XM thế giới có nhiều biến động do nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu xây dựng tại một số quốc gia giảm, các đối tác ép giá xuất khẩu.

“Những doanh nghiệp xuất khẩu XM giữ được giá bán là do ký hợp đồng dài hạn, còn những hợp đồng xuất khẩu ngắn hạn hầu hết đều bị giảm giá” - ông Khải cho hay.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng