Top

Sửa đổi Luật Xây dựng:

Đổi mới cả nội dung và phương thức quản lý

Cập nhật 16/05/2013 08:59

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi khu vực phía Bắc.

Tham dự có đại diện các bộ, ngành, tỉnh, TP, các doanh nghiệp Nhà nước. Điểm đáng lưu ý trong Dự thảo là đổi mới cả nội dung, phương thức quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo nguyên tắc dự án, công trình sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo phương thức khác nhau.

thể chế Các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng vẫn chưa theo kịp đời sống. Trong ảnh: Một góc Khu đô thị Nam Trung Yên.Ảnh: Yên chi

Vốn khác, cách quản lý cũng khác

Theo Bộ Xây dựng, sau 10 năm thực hiện Luật Xây dựng, đã xuất hiện một số điểm bất cập, điển hình là quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng không theo kịp việc hình thành thể chế kinh tế thị trường nhiều thành phần trong đầu tư xây dựng. Tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài tiến độ, hiệu quả thấp gây ra thất thoát lãng phí lớn nhưng khó quy kết trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, quy hoạch xây dựng còn hạn chế về khả năng dự báo, tính khả thi và công khai minh bạch thấp dẫn đến "quy hoạch treo", "dự án treo"… gây nên những lãng phí về cơ hội đầu tư và nguồn lực phát triển.

Việc đổi mới nội dung và phương thức quản lý đối với các hoạt động đầu tư xây dựng được đưa vào Dự thảo Luật theo nguyên tắc dự án, công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn khác nhau thì được quản lý thực hiện theo những phương thức khác nhau. Đối với dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, Nhà nước sẽ thực hiện quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn diện từ chủ trương đầu tư đến thiết kế, thi công xây dựng và đưa công trình vào vận hành sử dụng, kể cả chi phí đầu tư xây dựng công trình. Đối với Dự án, công trình được đầu tư xây dựng bằng những nguồn vốn khác, Nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm soát về sự phù hợp với quy hoạch, về những nội dung thực hiện có liên quan đến an ninh, an toàn trong xây dựng và vận hành sử dụng công trình, bảo vệ cảnh quan, môi trường thông qua các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, cấp phép xây dựng, điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, kể cả việc kiểm tra, đánh giá về chất lượng xây dựng sau khi công trình được đưa vào vận hành sử dụng...

Sai lầm khi chọn thầu chỉ nhìn vào giá

Vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Do những đặc thù của việc lựa chọn nhà thầu xây dựng nên quy định của Dự thảo Luật tập trung vào việc làm rõ các yêu cầu, điều kiện để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng như: Điều kiện để tổ chức lựa chọn nhà thầu và tham gia dự thầu; việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp với loại hoạt động xây dựng cụ thể; yêu cầu đối với nội dung hồ sơ mời thầu và yêu cầu đối với việc đề xuất phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu tư vấn xây dựng và thi công xây dựng; kiểm tra, đánh giá năng lực của nhà thầu dự thầu theo tính chất, yêu cầu của gói thầu; quy định về tổng thầu xây dựng, quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài sau đấu thầu; quản lý, sử dụng thông tin năng lực nhà thầu.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện giá trúng thầu đang được sửa đổi theo hướng là giá hợp lý chứ không phải là giá thấp nhất như áp dụng từ trước đến nay. "Việc chúng ta lựa chọn giá thấp nhất là hoàn toàn sai lầm. Một công trình xét thầu cần thể hiện 4 yếu tố: Giá - chất lượng (bao gồm thiết bị, đội ngũ cán bộ…) - tiến độ - kinh nghiệm và công nghệ. Bộ KH&ĐT không nên làm đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng. Nên đưa những đấu thầu liên quan đến xây dựng về Bộ Xây dựng; đấu thầu mua sắm công Bộ Tài chính vẫn quản" - ông Hùng nói.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý có chung đánh giá, hiệu quả đầu tư xây dựng hiện nay rất thấp, do đó cần sửa đổi đồng bộ các luật từ Luật Ngân sách, đầu tư, xây dựng, cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Có như vậy, các quy định của pháp luật mới có thể thực sự đi vào cuộc sống.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị

CÁC TIN LIÊN QUAN