Top

Đà Nẵng: Nhiều nhà đầu tư Nhật, Hàn, Hà Lan… muốn đầu tư vào Cảng Liên Chiểu

Cập nhật 14/12/2018 14:53

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, hiện có nhiều nhà đầu tư Việt Nam và các nước Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tiếp cận và mong muốn tham gia đầu tư dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu là dự án trọng điểm của Đà Nẵng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và kêu gọi đầu tư. Trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có quy mô 3.426,4 tỉ đồng được ưu tiên triển khai trước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu

Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để đầu tư những hạng mục, công trình phi lợi nhận, không có khả năng thu hồi vốn như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối (điện, nước, thông tin liên lạc)… để bến cảng hoạt động, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU; đảm bảo lượng hàng thông qua từ 3,5-5,0 triệu tấn/năm.

Ngày 18/10, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc số 10159/VPCP-KTTH gửi các Bộ KH-ĐT, Tài chính, GTVT và UBND TP Đà Nẵng thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ KH-ĐT xem xét báo cáo phương án nguồn vốn đầu tư tại cuộc họp Thường trực Chính phủ gần nhất.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành liên quan, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT, các cơ quan TƯ liên quan trước mắt bố trí 500 tỉ đồng từ nguồn 10% dự phòng chung của cả nước để khởi công và triển khai dự án trong giai đoạn 2019 – 2020. Đối với số vốn còn lại sẽ xem xét bố trí trong quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025.

Với các hạng mục công trình còn lại phục vụ khai thác bến cảng như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng, mạng kỹ thuật và thiết bị khai thác trên bến…, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay sẽ được đầu tư theo hình thức kêu gọi, huy động doanh nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương ứng theo từng giai đoạn phát triển.

Trên cơ sở quy hoạch và dự án được duyệt tương ứng với từng giai đoạn phát triển, UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu thầu, đấu giá rộng rãi, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định hiện hành để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, thiết bị khai thác theo quy định.

Đối với nội dung này, ngoài 02 nhà đầu tư được trao Thông báo nghiên cứu đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu (tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2017) gồm Công ty CP Cảng Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn T&T thì đến thời điểm này đã có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu và mong muốn tham gia đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, trong đó có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng và năng lực tài chính như Boskalis Inter A.V (Hà Lan), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Việt Nam)…

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet