Top

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức cho ngành thép Việt Nam

Cập nhật 13/07/2018 10:10

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, mặc dù Mỹ là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, nhưng tỉ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ không lớn, nên các DN SX thép trong nước không chịu ảnh hưởng nhiều từ các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Không ảnh hưởng nhiều tới thép Việt Nam

Ngày 6.7 vừa qua, sau khi các quy định áp thuế trị giá 34 tỉ USD của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực thì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu.

Mỹ hiện là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với sản lượng nhập khẩu 2017 đạt 34,6 triệu tấn thép và Trung Quốc (TQ) là một trong những nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm triệu tấn, nếu mất thị trường Mỹ, TQ phải tìm các thị trường khác trong đó có VN.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - Nguyễn Văn Sưa, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ là cuộc chiến tranh của 2 nền kinh tế được coi là lớn nhất thế giới. Do đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện, ngành thép chưa có nghiên cứu sâu và đánh giá chính xác, nhưng nhìn tổng quan, nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến ngành thép cả 2 mặt tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực, việc đối đầu giữa 2 cường quốc sẽ làm giảm nhu cầu thép giữa các nước, và như vậy, giá cả nguyên vật liệu sẽ giảm theo. Trong khi đó, ngành thép VN đang phải nhập khẩu nhiều nguyên, vật liệu như quặng sắt, than mỡ để luyện cốc, sắt thép vụn... Nếu giá nguyên, vật liệu đi xuống, chúng ta có thể nắm bắt lấy thời cơ để thúc đẩy sản xuất.

Mặt ngược lại, khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ xảy ra, việc xuất khẩu thép từ TQ sang Mỹ là rất khó khăn. Nhưng, hiện lượng thép xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là không lớn. Vì VN đang có nhu cầu dung thép cao, cùng đó, cơ hội xuất khẩu thép VN lại đang ở các thị trường khác, vì thép VN cũng đang là đối tượng bị áp thuế tại thị trường Mỹ, điển hình như vụ Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội trên 200% và trên 550% đối với tôn mạ. Do đó, việc Mỹ bảo hộ ngành thép sẽ không tác động nhiều tới Việt Nam.

DN Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, nhưng sản lượng nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 8% tổng thương mại thép toàn cầu, nên không tác động lớn đến ngành sản xuất thép của toàn cầu. Cùng đó, do các nhà máy trong nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, do đó buộc Mỹ vẫn phải tiếp tục nhập khẩu thép.

Cũng theo ông Sưa, những năm gần đây, các sản phẩm thép của TQ xuất sang VN với giá rất rẻ, để đảm bảo sản xuất trong nước, VN đã áp dụng các biện pháp phòng vệ để ngăn chặn việc thép TQ ồ ạt tràn vào VN. Đặc biệt, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung xảy ra thì ngành thép TQ phải tìm đến các thị trường khác. Hiện, chúng ta đã sử dụng và sẽ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất thép trong nước. Vì VN nằm sát TQ, do đó không thể tránh được việc xuất khẩu thép sang VN. Với tình hình như vậy, ngành thép cần theo dõi sát sao diễn biến tình hình để nắm bắt cơ hội thuận lợi và biết được thách thức để tránh thiệt hại. Cùng đó, các DN SX thép trong nước phải nhạy bén nắm bắt cơ hội và tránh thách thức, đặc biệt là các DN VN không ngừng nâng cao tính cạnh tranh và am hiểu các luật quốc tế để tận dụng cơ hội và tránh được những rủi ro...

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động