Top

Bao giờ thôi 'chôn chân' trên cầu Rạch Miễu?

Cập nhật 13/11/2018 13:27

Cứ sau mỗi lần kẹt xe trên cầu Rạch Miễu, dư luận lại xới chuyện cũ, nhiều người cho rằng cơ quan chức năng đã không có tầm nhìn tương lai khi xây cầu Rạch Miễu chỉ rộng 12m với 2 làn xe.

Cầu Rạch Miễu nhỏ hẹp trong khi lượng xe qua cầu hiện đã vượt 30% so với thiết kế - Ảnh: M.TRƯỜNG

Vì sao cây cầu Rạch Miễu, huyết mạch giao thông từ TP.HCM về Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, lại xây quá nhỏ hẹp vậy?

Phải liệu cơm gắp mắm

Cầu Rạch Miễu nối liền tỉnh Tiền Giang - Bến Tre xây dựng năm 2002 - 2009. Ông Nguyễn Như Thạo, nguyên phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 (QLDA7), Bộ GTVT, từng là tổng chỉ huy công trình này, nói: "Bộ GTVT, Ban QLDA7 và hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã hình dung cây cầu chật hẹp từ trước khi xây cầu. Biết chắc vài năm sau phương tiện sẽ tăng cao, ai cũng muốn có cầu 4 làn xe nhưng vì không có tiền nên phải liệu cơm gắp mắm".

Theo ông Thạo, ngày đó người dân Bến Tre luôn mơ ước có chiếc cầu để đi lại không còn lụy phà. "Lúc đó, kiếm tiền làm cầu 2 làn xe đã khó, không thể mơ đến làm cầu 4 làn xe. Nếu tiếp tục chờ vốn xây cầu 4 làn xe, không biết đến khi nào mới có cầu Rạch Miễu. Cuối cùng, các cấp thẩm quyền quyết định làm cầu chỉ có 2 làn xe" - ông Thạo kể.

Cầu Rạch Miễu khởi công tháng 4-2002, tổng mức đầu tư gần 600 tỉ đồng, trong đó các nhà đầu tư BOT góp 74,1% vốn, ngân sách góp 25,9% (trong đó tỉnh Bến Tre góp 6% và Tiền Giang góp 4% tiền đền bù giải tỏa).

Ngay khi bắt tay vào thi công cầu, cả hai nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về vốn nên tiến độ thi công chậm trễ. Theo đề xuất của Bộ GTVT, ngày 6-5-2003, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung thêm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 làm nhà đầu tư chính của dự án chiếm 51% vốn.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước góp 25,9% vào dự án cũng thiếu khiến tiến độ thi công công trình tiếp tục chậm trễ. Năm 2005 - 2007, giá sắt và cát tăng cao vọt lên 200 - 300%...

Sau rất nhiều cố gắng của các đơn vị, đầu năm 2009, chiếc cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư của Việt Nam tự thiết kế và thi công đó là cầu Rạch Miễu hoàn thành, tổng vốn đầu tư thực tế lên gần 1.400 tỉ đồng, chậm 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Chờ... cầu Rạch Miễu 2

Ông Nguyễn Chung Khánh, tổng giám đốc Ban QLDA7, nói việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là cần thiết và cấp bách để đáp ứng giao thông trên tuyến quốc lộ 60. Trong cuộc họp ngày 18-6-2016 với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư xây cầu nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn ngân sách.

Ban QLDA7 đã chủ động tìm được nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Hiệp hội các nhà thầu quốc tế Hàn Quốc (ICAK), làm việc với Tổ chức EDCF để tài trợ vốn thực hiện dự án theo hình thức vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại.

Thông báo ngày 22-8-2017 của Văn phòng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu đầu tư xây cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức xã hội hóa. Nhưng quốc lộ 60 nối từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên dài 115km đã có 3 dự án đầu tư theo hình thức BOT nên việc triển khai xây cầu Rạch Miễu 2 theo hướng xã hội hóa khó khả thi.

Nếu tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2, mật độ các trạm thu phí trên tuyến quốc lộ 60 sẽ dày đặc.

Tháng 8-2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban QLDA7 tiếp tục xây dựng phương án đầu tư và thời điểm khởi công cầu Rạch Miễu 2. Mới đây, ngày 17-9-2018, Ban QLDA7 đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét trình Thủ tướng đầu tư dự án theo nguồn vốn ODA.

"Nếu được Quốc hội chấp thuận bổ sung dự án cầu Rạch Miễu 2 vào nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017 - 2021, từ nay đến năm 2020 sẽ lập dự án thiết kế để năm 2021 khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2024" - ông Nguyễn Chung Khánh nói thêm.

Xe qua cầu Rạch Miễu vượt 30% thiết kế

Khoảng 19h ngày 10-11 xảy ra một vụ tai nạn giao thông trên cầu Rạch Miễu. Người đi xe máy phải mất gần 1 giờ mới qua cầu. Ôtô, xe khách không thể "nhúc nhích" hơn 3 giờ, nhiều hành khách phải rời xe, đi bộ qua cầu, chọn phương tiện khác về nhà.

Đây không phải là chuyện hiếm ở cầu Rạch Miễu nhiều năm qua. Từ khi cầu Cổ Chiên nối tỉnh Bến Tre - Trà Vinh hoàn thành (tháng 5-2015), lượng xe qua cầu tăng cao hơn. Chỉ cần một vụ va chạm nhỏ trên cầu, cả tuyến quốc lộ 60 đoạn hai đầu cầu này "đóng băng" hàng giờ.

Những dịp lễ tết, lực lượng CSGT hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre phải vất vả điều tiết chia dòng xe từng đợt để qua cầu.

Theo ông Hà Ngọc Nam, phó giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu: đầu năm 2018 đến nay, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã phải xả trạm trên dưới chục lần những khi ùn tắc.

Tuy nhiên, việc xả trạm chỉ mang tính chất chia sẻ với tài xế, không giải quyết được tình trạng kẹt xe khi quốc lộ 60 đoạn qua trạm được chia ra 6 làn xe nhưng khi lên cầu chỉ còn lại 2 làn.

Cũng theo ông Nam, cầu Rạch Miễu được thiết kế cho khoảng 10.000 lượt xe/ngày. Nhưng lượng xe hiện nay đã vượt qua con số này khoảng 2.000 - 3.000 lượt xe/ngày đêm.

"Dịp lễ tết, khi có tai nạn trên cầu sẽ xảy ra ùn ứ. Tình hình giao thông này chỉ duy trì được khoảng 2 - 3 năm nữa nên việc triển khai cầu Rạch Miễu 2 là rất cần thiết" - ông Nam nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-11, ông Cao Văn Trọng, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết dự án cầu Rạch Miễu 2 hiện đang trong giai đoạn lập hồ sơ tiền khả thi để tìm kiếm nhà đầu tư.

Về vị trí, dự kiến cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng cách cầu hiện hữu khoảng 3km về phía thượng nguồn sông Tiền, có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 1 - đường tỉnh 870 (Tiền Giang) và điểm cuối là đường tỉnh 883 (nay là quốc lộ 57B, tỉnh Bến Tre).

Dự kiến cầu Rạch Miễu 2 rộng 17,5m với 4 làn xe cơ giới gồm cầu thứ nhất (cầu chính) dài 1.910m, cầu thứ 2 dài 522m. Dự án sẽ nâng cấp mở rộng đường dẫn 2 đầu cầu (gồm đường tỉnh 870 và 883) có tổng chiều dài 8,4km cho 4 làn xe lưu thông.


DiaOcOnline.vn - Theo TTO