Tín dụng bất động sản chưa thể tăng trưởng nhanh

Cập nhật 15/03/2013 10:17

Ngân hàng Nhà nước đã mở van cho phát triển tín dụng bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ vốn giá rẻ cho khách hàng nằm trong diện được mua nhà ở xã hội, với gói vốn 20.000 - 40.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay chỉ ở mức 6%/năm. Bên cạnh đó, “room” tín dụng đối với lĩnh vực này cũng không còn bị khống chế như trước.

Thế nhưng, các ngân hàng cho biết, không dễ kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng nhà ở trong bối cảnh thị trường hiện nay, cho dù điều kiện cho vay đã được nới lỏng hơn.

Đơn cử, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết, sau gần 4 tháng triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà để ở, với lãi suất chỉ 10 – 12%/năm, cố định trong 2 năm đầu, song đến thời điểm này, Eximbank mới giải ngân được 100 tỷ đồng.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, chính sách hỗ trợ vốn cho người dân mua nhà xã hội sẽ góp phần làm mặt bằng lãi suất cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, theo ông Phước, lãi suất sẽ khó giảm nhiều, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành làm sao để lãi suất không xuống quá thấp, nhằm kiểm soát lạm phát. “Dự báo, lãi suất huy động năm nay sẽ ở mức 7 - 9%/năm, còn lãi suất cho vay sẽ ở mức 10 - 12%/năm.

Tương tự, ông Phương Tiến Minh, Giám đốc phát triển chiến lược khách hàng Khối Tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đã về mức phù hợp. Theo ông Minh, khó có thể kỳ vọng lãi suất cho vay mua nhà giảm sâu, mà chỉ có thể giảm thêm tối đa 1%/năm để phù hợp với điều kiện thị trường cũng như xu hướng lạm phát kỳ vọng năm nay.

Năm 2013 được dự đoán tiếp tục là năm của “nhà giá mềm”, đặc biệt sau khi các giải pháp của Chính phủ đưa ra phần lớn hỗ trợ và khuyến khích phát triển phân khúc này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, sự phục hồi của thị trường này phụ thuộc vào 3 yếu tố căn bản là cung – cầu, lãi suất và tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, về cung - cầu, riêng đối với phân khúc nhà giá mềm, thì luôn có. Với yếu tố thứ hai, lãi suất trong năm nay sẽ có xu hướng giảm, bởi cả người dân, doanh nghiệp và Chính phủ đều đồng chí hướng. Nhưng với vấn đề tăng trưởng kinh tế, theo ông Trân, đây còn là một ẩn số lớn không chỉ đối với thị trường bất động sản, mà cả nền kinh tế chung. “Nếu người dân còn chật vật kiếm sống, thì việc mua nhà chắc chắn không dễ dàng”, ông Trân nói.

Nhấn mạnh hơn đến yếu tố lãi suất, một nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, để có thể có mức lãi suất bất động sản thấp 2 - 3%/năm và dài hạn, đòi hỏi lạm phát của Việt Nam phải thấp. Đây là một thách thức không dễ thực hiện trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Vì thế, thị trường bất động sản không nên quá ảo tưởng vào sự phá băng khi tín dụng đối với lĩnh vực này được cho là đang dần rộng cửa.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán