Quy định quyền thừa kế theo pháp luật

Cập nhật 11/05/2010 15:30

Câu hỏi:

Ông bà tôi sinh được 6 người con. Năm 1993, ông tôi và 2 anh con trai (thứ nhất và thứ 2) đều được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Năm 2000, thì bà tôi chết mà không để lại di chúc, đến năm 2004, để thuận tiên cho giao dịch tăng gia phát triển sản xuất lên ông tôi đã sang tên cho chú Út 1 phần diện tích đất mà ông đứng tên và ông đứng tên phần còn lại (với diện tích 2700m2 đất ruộng).

Vậy ông tôi có được toàn quyền định đoạt diện tích ruộng trên hay không? Hay ông tôi chỉ được 50%, còn lại chia đều cho các con?

Khi ông tôi ra UBND xã thực hiện thủ tục tặng cho Quyền sử dụng đất thì cán bộ xã cho rằng phải có biên bản từ chối nhận tài sản để lại của 6 người con thì ông mới có toàn quyền quyết định (vì ông chỉ được hưởng 50% còn lại là của bà). Xin hỏi luật sư cán bộ xã trả lời có đúng không?

Xin chân thành cảm ơn! (thaovan154@gmail.com)


Công ty Luật Thiên Bình trả lời:

Theo thông tin bạn nêu trong thư chưa rõ ràng về phần diện tích đất của ông bà bạn đang sử dụng và phần diện tích mà ông bạn cho 2 người con trai (người thứ nhất và thứ hai), nên chúng tôi chỉ trả lời chung cho bạn theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:

Trường hợp 1:

Nếu trên GCN QSD đất đã được cấp chỉ ghi tên người sử dụng là ông bạn và không ghi chú về việc ông bạn là đại diện của đồng sở hữu, đồng thừa kế…, thì ông bạn có toàn quyền quyết định trong việc tặng cho hoặc chuyển nhượng QSD đất đối với diện tích đất này.

Trường hợp 2:

Nếu trên GCN QSD đất đã được cấp ghi cả tên ông và bà của bạn và/hoặc có không ghi chú về việc ông bạn là đại diện của đồng sở hữu, đồng thừa kế…, thì khi bà bạn mất mà không để lại di chúc thì 50% diện tích đất thuộc QSD của ông bạn, còn 50% diện tích đất thuộc di sản thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự thì những người thừa kế theo pháp luật gồm:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;

cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.
 


DiaOcOnline.vn