Phân chia tài sản thừa kế

Cập nhật 27/04/2010 09:15

Câu hỏi:

Bà nội tôi có mảnh đất 1.640m2 (ông tôi đã mất khi ba tôi còn nhỏ) và bà nội tôi có ba người con. Năm 1983 bà mất đã để lại cho cha mẹ tôi tiếp tục quản lý (có sự đồng ý cuả hai ngươì chú nhưng không có giâý tờ). Năm 1998 ba tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở chỉ mình ông đứng tên (vì mẹ tôi mất năm1994). Năm 1996 ông tái hôn và có hôn thú.

Vậy, số tài sản trên có phải phân chia cho hai chú tôi không? nếu được phân chia thì việc phân chia như thế nào? (vì ba mẹ tôi đã quản lý và chăm nom khu vực trên hơn 30 năm)

Người vợ thứ hai của ông có liên quan đến tài sản trên không?

Xin chân thành cảm ơn! (trungphuong_sg@yahoo.com)


Luật sư Ngô Thị Phúc - Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia TP.HCM

Theo quy định của pháp luật dân sự quy định về thừa kế thì trường hợp của gia đình, người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì thực hiện theo pháp luật.

- Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau:

+ Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

+ Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm thừa kế.

Những người thừa kế theo pháp luật (hàng thừa kế) được quy định thứ tự như sau:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người được hưởng thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

+ Thừa kế thế vị pháp luật quy định: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời diểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Trên đây là những quy định về thừa kế, nếu gia đình bạn có tranh chấp thì nên đến Toà án nhân dân huyện nơi gia đình đang cư trú hoặc nơi có tài sản thừa kế để xin được tư vấn hoặc yêu cầu chia thừa kế nếu như không thoả thuận được.

- Nếu miếng đất trên chỉ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà nội bạn thì :

* Số tài sản trên phải phân chia cho hai chú của bạn

Điều 676 BLDS 2005 quy định về hàng thừa kế thứ 1 gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Việc phân chia như sau : Bà nội bạn có 3 người con: 2 chú và ba của bạn.

2 chú : 2 phần; ba của bạn 1 phần.(mỗi phần bằng nhau).

(Chỉ chia quyền sử dụng đất)còn nhà do ba mẹ bạn xây dựng nên không tính vào di sản thừa kế,

Như bạn trình bày: Ba mẹ bạn đã quản lý và chăm nom mảnh đất trên hơn 30 năm, vì vậy trước khi chia tài sản nói trên, thì ba mẹ bạn có thể tính chi phí quản lí‎ và chăm nom mảnh đất trên có thể quy bằng tiền hoặc bằng diện tích đất tùy 2 chú và ba bạn thoả thuận để phân chia di sản của bà nội bạn 1 cách hợp tình, hợp lí‎‎, Nếu 2 người chú của bạn không có nhu cầu sử dụng mảnh đất trên

Người vợ thứ hai cuả ba bạn có liên quan đến tài sản trên không ?

- Do đây là tải sản của ba bạn (Năm 1998 ba bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở chỉ mình ông đứng tên) và nguồn gốc mảnh đất nêu trên là của Bà nội bạn.

- Người vợ sau của ba bạn không có liên quan gì đến mảnh đất này.

- Còn nhà Xây dựng từ năm nào (trước khi mẹ bạn mất? hay sau khi ba bạn cưới ngưởi vợ thứ hai? Do bạn không cung cấp rõ thông tin nên Tôi không thể trả lời chính xác cho bạn).

+ Nếu nhà xây dựng trước khi mẹ bạn mất thì: Người vợ sau của ba bạn không có liên quan gì đến việc chia tài sản căn nhà này.

+ Nếu nhà xây dựng sau khi mẹ bạn mất và trong thời điểm ba bạn và người vợ thứ hai của ba bạn trong thời kỳ hôn nhân tồn tại thì : Người vợ sau của ba bạn có liên quan đến việc chia tài sản căn nhà này.

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.
 


DiaOcOnline.vn