Xung quanh câu chuyện giảm giá của địa ốc phía Nam

Cập nhật 07/10/2013 14:26

Cuối tháng 9, tiếp đợt giảm giá của địa ốc TPHCM, địa ốc khu vực vùng ven là Đồng Nai, Bình Dương …cũng đã rục rịch bắt đầu giảm giá. Một số chủ đầu tư nhận định, việc giảm giá là điều tất yếu bởi điều quan tâm nhất hiện nay là tính thanh khoản và hướng đến nhu cầu thực của khách hàng.

Xét trên khía cạnh hợp tác thì đến lúc này, làn sóng giảm giá tìm thanh khoản đã bắt đầu lan đến thị trường Bình Dương. Vừa qua, Becamex IJC đã bắt tay cùng với Tổng công ty Tấc đất Tấc Vàng cùng phát triển dự án IJC @Vsip với diện tích 128 ha tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương.

Điểm quan trọng là với 200 lô nền đất có diện tích từ 150 – 300m2, giá đưa ra đã giảm 500 ngàn đồng/ m2 so với thời điểm công bố, rơi ở mức khoảng 3 triệu đồng/ m2.

Cũng là hình thức này, tại TPHCM, nhưng công ty Hưng Thịnh và công ty Chương Dương đã đưa ra mức giảm thấp hơn của dự án Tân Hương tower, từ 10 – 20%, xuống còn 12,5 triệu đồng/ m2.

Theo lý giải của đại diện chủ đầu tư thì lý do chính là dự án đình trệ hơn 1 năm nên cần đơn vị hợp tác có thế mạnh về phân phối, đầu tư và xây dựng để tiếp tục triển khai lại dự án. Qua đó, có dòng vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án khác, chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm 2014-2015.

Theo nghiên cứu của Saviils thì không riêng thị trường sơ cấp điều chỉnh giá mà trong 2 tháng đầu quý III/2013, thị trường thứ cấp, nghĩa là nhà đầu tư mua đi bán lại cũng ghi nhận đất nền, biệt thự đột ngột mất giá trung bình 10-11% so với suốt năm 2012.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của đợt giảm giá này là do nhà đầu tư cắt lỗ thu hồi tiền mặt, xả bớt hàng tồn đã ôm quá lâu. Trong giai đoạn khó khăn, chấp nhận giảm giá, cắt lỗ để giải phóng hàng tồn kho là quyết định khôn ngoan của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cắt lỗ càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng thực hiện việc giảm giá xả hàng. Hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước hai ngã rẽ. Một là chấp nhận lỗ để xả hàng ra thị trường nhằm tìm cơ hội đi tiếp. Hai là ôm hàng, giữ giá, quyết không chịu lỗ và chờ đợi.

Một số chuyên gia phân tích, các đơn vị chấp nhận cắt lỗ, sẵn sàng giảm giá thường là doanh nghiệp vẫn còn nhiều tài sản giá trị, áp lực nợ xấu trong khả năng kiểm soát và cơ hội sống sót để đi tiếp cao hơn. Theo đó, dự án giảm giá thường có thanh khoản khả quan

Như vậy có thể khẳng định, việc hợp tác cùng phát triển dự án và đưa ra 1 mức giá hợp lý hơn trong thời điểm địa ốc khó khăn là điều tất yếu. Đây là giải pháp đôi bên, cả chủ đầu tư, cả người mua nhà cùng có lợi. Việc mua dự án nào, với giá bao nhiêu vẫn còn phụ thuộc vào quyết định của nhà đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo VITV