Top

Xóa nhà lụp xụp

Cập nhật 24/04/2010 11:25

Chạy dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) hôm nay khó có thể hình dung được dãy nhà lụp xụp, tạm bợ cách đây 10 năm. Thay cho những khu phố chật chội, tối tăm, ẩm thấp, lối đi ngoằn ngoèo trước đây là các dãy nhà mới khang trang, rộng rãi, con đường tráng nhựa trải dài với hàng cây xanh và quán xá nhộn nhịp hai bên.

Những khu “nhà không số, phố không tên”, che chắn tạm bợ bằng đủ thứ vật liệu từ tôn, ván ép, thùng giấy, thậm chí áo mưa hay bao ni lông, không đảm bảo các điều kiện để sinh sống và an toàn cháy nổ, nay chỉ còn trong quá khứ. Không còn cảnh sống chung với rác rưởi, muỗi mòng; không còn những ngày tháng chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã oi như trước đây. Người dân được đổi đời, mỹ quan của TP được thay đổi đáng kể. Nhiều chung cư, cao ốc văn phòng đã và đang mọc lên như tô điểm thêm cho cảnh quan của khu vực.

Nhớ lại những ngày đầu tiên khi soạn thảo và đề xuất dự án cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Ngân hàng Thế giới (WB) đã không tin chúng ta có thể làm được. Nhiều tổ chức của thế giới cũng như các nước bạn bè trong khu vực đều lắc đầu e ngại trước một dự án cần quá nhiều vốn, thời gian và công sức.


Hình ảnh những dãy nhà lụp xụp, tạm bợ đã và đang lùi dần vào quá khứ.

Ấy vậy mà khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành vào năm 2000, đích thân Chủ tịch WB sang thăm, chứng kiến sự thay da đổi thịt của khu vực hai bờ kênh Nhiêu Lộc, đã thảng thốt nói rằng, không ngờ dự án tiến triển nhanh và thành công đến như vậy. Và kết quả vượt ngoài sự mong đợi, WB đã đồng ý cho TPHCM vay tiếp 200 triệu USD để tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo của dự án. Đó không chỉ là niềm tự hào, thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân toàn TP, mà còn chứng minh sự mạnh mẽ vươn lên của một đô thị phát triển, năng động nhất Việt Nam.

Nối tiếp thành công của dự án cải tạo lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án chỉnh trang đô thị ven rạch Ụ Cây và bờ Đông rạch Xóm Củi (trải dài qua địa phận 3 phường 9, 10, 11, quận 8) với hơn 2.500 hộ dân cũng được UBND quận 8 thực hiện rất tốt. Hơn 14.000 người đã được di dời đến nơi ở mới, rộng rãi và khang trang. Quận 8 cũng đang có kế hoạch di dời khoảng 16.000 căn nhà thuộc 26 khu nhà lụp xụp (không nằm ven kênh) rải rác trên địa bàn quận.

Dự kiến đến năm 2020, quận 8 sẽ chuyển tất cả những khu nhà lụp xụp này thành các chung cư cao tầng và trung tâm thương mại khang trang, hiện đại. Tương tự, dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở khu vực này cũng đang vào giai đoạn hoàn tất, với việc di dời được hơn 2.000 hộ dân sống dọc theo dòng kênh (thuộc khu vực các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú).

Không thể phủ nhận thực trạng các khu nhà lụp xụp hình thành giữa lòng Sài Gòn trước đây và nhiều năm sau đó, là hậu quả của chiến tranh, của việc quy hoạch kiến trúc không nhất quán, lỏng lẻo, yếu kém, nhất là ở khu vực các kênh rạch, dẫn đến tình trạng người người lấn rạch, nhà nhà xây dựng trái phép. Song, một nỗ lực rất đáng được ghi nhận là trong hơn 10 năm qua, lãnh đạo TP đã có nhiều đầu tư và cố gắng trong việc xóa bỏ nhà lụp xụp, giúp hàng chục ngàn người có cuộc sống thoải mái và tiện nghi hơn.

Với hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư cho 51 dự án xây dựng nhà ở, giải tỏa các khu nhà tạm bợ, lụp xụp trên địa bàn TPHCM, nhiều khu dân cư mới đã được hình thành, bộ mặt các ấp nghèo, khu phố nghèo đã thật sự được thay đổi, chất lượng cuộc sống và môi trường, cảnh quan đô thị được cải thiện rõ rệt hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng