Top

Vụ xây liều 110 biệt thự Ở khu Nam Sài Gòn: Nhiều tranh cãi pháp lý

Cập nhật 19/06/2019 14:00

Các ý kiến tranh cãi về trách nhiệm và hướng xử lý liên quan đến chủ đầu tư dự án Green Star Sky Garden ở khu Nam Sài Gòn dù chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng đã cho xây 110 biệt thự

Đến nay, toàn bộ 110 căn biệt thự do Công ty CP Đầu tư bất động sản (BĐS) Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư đã xây dựng xong phần thô. Một nửa trong số đó gần như hoàn thiện và sẵn sàng giao nhà cho khách hàng.

"Tuýt còi" là đúng?

Ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7 (TP HCM), thừa nhận ban đầu nghe thông tin báo cáo từ các đơn vị quản lý cho rằng dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý. Trong đó, có ý kiến hiểu nhầm tháng 1-2018, chủ đầu tư đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 nên không cần phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, vừa qua dư luận phản ánh nên quận rà soát lại mới phát hiện. Lúc này công trình gần như hoàn tất khu biệt thự liền kề.

Về trách nhiệm, theo UBND quận 7 sẽ có phương án xử lý. Nhưng phía Sở Xây dựng (đơn vị trực tiếp quản lý thanh tra địa bàn) nêu quan điểm ngược lại, rằng được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 thì không cần bổ sung thủ tục khác. Quận và Sở Xây dựng sẽ có cuộc làm việc để thống nhất quan điểm, có các phương án giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, một phó chủ tịch UBND quận phụ trách lĩnh vực đô thị (đề nghị không nêu tên) cho rằng quan điểm UBND quận 7 đưa ra là đúng. Bởi thủ tục đầu tiên muốn triển khai dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, sau đó được UBND TP HCM có quyết định giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Từ căn cứ này mới thực hiện những bước khác nhau. Vị này cũng cho rằng lý giải của Sở Xây dựng TP là không đúng, có sự thiên vị. Dù muốn hay không trước khi đặt viên gạch đầu tiên xây dựng thì phải đủ điều kiện giải quyết thủ tục.

Về câu hỏi có nên bắt buộc yêu cầu tháo dỡ hay không, theo vị này, trước mắt cho phép chủ đầu tư dự án trong vòng 60 ngày (cuối tháng 7 - PV) để hoàn tất. Còn cố tình xây dựng, tiếp tục thực hiện thì phải xử lý, khắc phục. Dù đại dự án hay là nhà dân cũng phải công bằng. UBND TP HCM vào năm 2018 cũng từng cưỡng chế một dự án lấn sông quận 2 giá trị lên đến hơn 100 tỉ đồng" - vị này nêu.

Khu nhà ở - biệt thự Green Star Sky Garden (phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM) được xây dựng 110 biệt thự trái phép khi chưa xong các thủ tục pháp lýẢnh: LÊ PHONG

Hiệp hội BĐS TP HCM lên tiếng

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát (chủ đầu tư) cho biết từ tháng 6-2018, đơn vị đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo quy định. Toàn bộ diện tích đất đã thỏa thuận chuyển nhượng, bồi thường cho người dân. Phần đất công (hơn 7.300 m2) có hình dáng kéo dài, hẹp, nằm phân tán xen cài giữa các thửa đất trong cùng một dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tham mưu cho UBND TP để ra quyết định giao đất thực hiện dự án. Mặt khác, công ty không chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với phần đất này mà sử dụng vào mục đích xây dựng hồ điều hòa và đường giao thông đối ngoại.

Về những thủ tục pháp lý còn thiếu, chủ đầu tư cho rằng hơn 1 năm công ty đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP để thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. "Thời gian thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất kéo dài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ hoàn thành dự án, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp" - chủ đầu tư nêu.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng UBND quận 7 tiến hành kiểm tra công tác thi công xây dựng tại hiện trường dự án là đúng thẩm quyền và cần thiết. Nhưng đình chỉ là chưa chuẩn xác, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Qua nghiên cứu trường hợp xin được chuyển mục đích sử dụng đất, được giao đất, được thực hiện nghĩa vụ tài chính, Hiệp hội BĐS TP HCM nhận thấy chủ đầu tư đã nỗ lực thực hiện các thủ tục theo yêu cầu hoặc hướng dẫn của cơ quan chức năng. Từ trường hợp này, HoREA nhận thấy các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS đang đứng trước nhiều rủi ro, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nhưng không thể hoàn thành thủ tục pháp lý hoặc triển khai dự án mà lỗi không phải do chủ đầu tư.

"Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét, chỉ đạo giải quyết đối với dự án này để tháo gỡ " - ông Châu thông tin.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết vụ việc càng kéo dài khiến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp mất đi. Nhưng mặt khác, cần xem xét ai cho phép chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ôtô”.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động