Top

Vụ "dâng đất vàng cho doanh nghiệp": Yêu cầu công khai các dự án

Cập nhật 30/06/2018 08:54

Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa khẳng định sẽ yêu cầu UBND tỉnh công khai thông tin toàn bộ các dự án, trong đó có các dự án "dâng đất vàng" mà Báo Người Lao Động đã phản ánh

Chiều 29-6, lần đầu tiên HĐND tỉnh Khánh Hòa tổ chức buổi tiếp xúc cử tri là các nhà báo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh này. Buổi tiếp xúc diễn ra trong bối cảnh báo chí những ngày qua đăng tải thông tin về các dự án "đất vàng" giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá với giá bèo.

"Dự án kinh tế có gì mà bí mật"

Tại buổi tiếp xúc, các nhà báo thường trú tại Khánh Hòa đã đưa ra nhiều vấn đề dư luận đang quan tâm: công khai 35 dự án ở TP Nha Trang đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra; vì sao để tình trạng giao "đất vàng" cho doanh nghiệp với giá rẻ, không đấu giá công khai? Vai trò giám sát của HĐND tỉnh đối với các dự án này như thế nào?

Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao vai trò báo chí trong việc đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Ông Phan Thông, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận hiện nay có nhiều vấn đề báo chí quan tâm phản ánh liên quan đến các dự án, đại biểu HĐND tỉnh muốn biết rõ về những dự án đó nhưng lại không có thông tin. "Có những vấn đề tôi thấy rất sôi động, nóng bỏng, tất cả mọi người đều quan tâm, báo chí quan tâm và chúng tôi cũng rất quan tâm, muốn biết rõ hơn nhưng cũng không có nguồn thông tin nào" - ông Thông nói.


HĐND tỉnh Khánh Hòa tiếp xúc cử tri là các nhà báo vào ngày 29-6 Ảnh: KỲ NAM

Riêng các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) giao "đất vàng" cho doanh nghiệp với giá rẻ bất thường mà báo chí phản ánh, ông Thông cho biết các cơ quan chức năng đang rà soát lại toàn bộ, từ việc áp dụng các văn bản của Chính phủ, văn bản của các bộ và chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện. "Đến giờ phút này đã được cái gì, thiếu cái gì, cái gì cần phải làm rõ; khi nào có kết luận thì sai dính đến ai thì người đó tính chứ bây giờ đang làm, không biết được" - ông Thông nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên ngoài buổi tiếp xúc, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - cho biết HĐND không đứng ngoài cuộc, sẽ luôn giám sát, theo dõi các dự án. Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa công khai toàn bộ các dự án trên website để người dân, báo chí và đại biểu HĐND giám sát. "Đây là dự án kinh tế có gì mà bí mật" - ông Thân khẳng định.

Phải giữ nguyên trạng Hòn Rùa

Dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (gọi tắt là dự án Hòn Rùa) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11-2013 với diện tích hơn 14,1 ha cho Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Hòn Rùa. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã đổ đất đá lấn vịnh Nha Trang gần 13.000 m2 và đã bị xử phạt 175 triệu đồng. "Trong dự án Hòn Rùa tôi thấy một điều vô lý. Đây là dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái. Tuy nhiên, rừng đâu chưa thấy, rong biển đâu chưa thấy mà đi lo việc cày xới đất để làm du lịch, tàn phá Hòn Rùa" - ông Thân nói.

Điều quan trọng hơn là việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này liệu có đúng? Sau khi được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định, ngày 8-9-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vịnh Nha Trang.

Ông Lê Xuân Thân cho rằng trong quyết định của UBND tỉnh nói rất rõ là Hòn Rùa phải giữ nguyên trạng. Muốn phát triển, đầu tư ở Hòn Rùa thì phải sửa văn bản của UBND tỉnh. Mà muốn sửa thì phải làm việc lại với Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, quyết định này đến giờ vẫn không thay đổi.

Ông Thân cũng cho rằng vịnh Nha Trang là một vịnh đẹp cần có quy chế riêng để bảo vệ. Trong thời gian qua, đã có một số dự án do chính quyền các cấp buông lỏng quản lý nên có việc dự án thực hiện, lấn biển, mở rộng diện tích. "Luật Đất đai quy định là cấp quản lý trực tiếp, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó là cấp huyện, cấp tỉnh. Muốn làm điều này thì các dự án phải công bố công khai và thông tin đến các cấp chính quyền. Thực tế nhiều dự án khi triển khai cấp xã, phường không nắm được cho nên không biết được người ta đổ đất ra như vậy có sai hay không, có được phép hay không?" - ông Thân nói và cho biết đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, trách nhiệm của TP Nha Trang, trách nhiệm của phường quản lý đất đai.

Quản lý du khách Trung Quốc

Tại buổi tiếp xúc, ông Lê Xuân Thân cũng đề cập việc quản lý đối với khách Trung Quốc. Theo ông Thân, khách Trung Quốc đến Khánh Hòa là đáng trân trọng, không hề có phân biệt nhưng vấn đề quan trọng là quản lý nhà nước như thế nào. "Tôi cũng đã họp và yêu cầu UBND tỉnh lập đoàn liên ngành đi kiểm tra nhiều vấn đề. Một là kiểm tra việc núp bóng kinh doanh; hai là núp bóng mua nhà đất, đứng tên giùm; ba là du lịch khép kín, thất thu thuế. Nhiều vấn đề lắm" - ông Thân nói.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ