Top

Vốn ngoại vẫn đổ vào bất động sản

Cập nhật 23/08/2016 14:02

 Ông Ben Gray, Giám đốc Bộ phận Đầu tư thị trường vốn Cushman & Wakefield Việt Nam, dự đoán trong năm nay có hàng chục thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn diễn ra và tổng giá trị của các thương vụ lên đến 1,7 tỉ USD

* Ông nhận định thế nào về thị trường M&A bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm 2016, dự đoán từ nay đến cuối năm, liệu có những đột biến so với năm 2015?

- Ông Ben Gray: Chúng tôi dự đoán chuẩn giao dịch 4,3 tỉ USD của năm 2015 sẽ dễ dàng bị phá vỡ trong năm nay khi yếu tố kép, khoản nợ giá rẻ của khu vực và một bối cảnh mà các văn bản dưới luật đang được cải thiện kết hợp với nhau để cải thiện dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam. Với việc các hiệp định thương mại tự do được ký kết - hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc - chúng tôi cảm thấy sẽ có một sự gia tăng đáng kể khối lượng giá trị đầu tư vào các công ty và dự án tại Việt Nam.

Năm 2016, chúng tôi đã nhìn thấy khoảng 10 giao dịch M&A ngành BĐS hoàn tất với giá trị giao dịch đạt trên 1,7 tỉ USD. Nhật Bản dẫn đầu với 5 giao dịch hoàn thành. Tính đến nay, hoạt động M&A trong ngành BĐS tại Việt Nam nằm trong tốp 10 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhà đầu tư BĐS trong khu vực đang tìm kiếm các tài sản tạo nguồn thu ổn định tại Việt Nam. Họ tiếp tục tìm kiếm để cải thiện lợi nhuận từ các danh mục đầu tư và điều này có thể hiểu là họ đang hướng sự quan tâm đến các sản phẩm cốt lõi: văn phòng, bán lẻ, công nghiệp và dịch vụ khách hàng. Những nhà đầu tư yêu thích rủi ro đang xem xét các nhà phát triển với nguồn cung và thành tích tốt, những ai có khả năng tính toán việc bố trí nợ và vốn cổ phần ở cấp độ dự án và doanh nghiệp.

* Có nhiều doanh nghiệp không chuyên đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực BĐS, ông nhận định như thế nào về tình hình này?

- Đối với những nhà điều hành đang có ý định nhắm đến việc thâu tóm một công ty chuyên về BĐS thì nhất thiết cả 2 doanh nghiệp cần có các lĩnh vực hoạt động hoặc bổ trợ cho nhau hoặc doanh nghiệp cần chuyển hướng đến phạm vi mà những công ty mục tiêu đang hoạt động.

Ví dụ, một nhà phát triển thâu tóm một công ty chuyên về tư vấn và quản lý BĐS, một nhà điều hành bán lẻ thâu tóm một công ty quản lý thiết bị hay một nhà phát triển mua lại một nhà phát triển chuyên về một phân khúc khác trên thị trường. Nếu 2 doanh nghiệp cùng hỗ trợ cho nhau và tạo nên giá trị gia tăng thì việc này sẽ mang lợi ích đến cho thị trường. Còn nếu họ không hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ không mang lại lợi ích nào cho thị trường.

* Không ít doanh nghiệp đã thất bại khi đầu tư vào BĐS và phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Yếu tố quan trọng nào giúp một doanh nghiệp không chuyên thành công?

- BĐS là một ngành chuyên môn cao và phức tạp - căn bản nhất là phải hiểu được tại sao bạn đang nhắm đến lĩnh vực này, sau đó tìm hiểu nguyên tắc kinh doanh của công ty mục tiêu, những điểm mạnh, yếu của nó; thị phần; nguồn cung sản phẩm; theo dõi hồ sơ và xem xét triển vọng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cũng cần suy xét cẩn thận về cách quản lý hiện tại của công ty mục tiêu cùng với mức độ kiểm soát và vốn cần thiết để bảo đảm những lợi ích hay doanh số bạn cần từ công ty mục tiêu. Tiếp nhận lời khuyên từ bên thứ ba là những chuyên gia về lĩnh vực BĐS như yếu tố cốt lõi cho việc thẩm định chi tiết.

* Đây có phải là thời điểm thích hợp để tăng cường đầu tư vào lĩnh vực BĐS?

- Đúng vậy, có những cơ hội đến trong lĩnh vực BĐS cho những ai am hiểu về thị trường này. Các nhà điều hành có nhu cầu chuyển qua lĩnh vực BĐS sẽ ở trên một vị thế tốt để cải thiện thị phần và lợi nhuận trong khoảng thời gian ngắn và trung hạn.

Thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, khi thị trường ngày càng tinh vi hơn thì lĩnh vực BĐS sẽ ngày càng chuyên môn hóa. Sự chuyên môn hóa sẽ dẫn đến việc gia tăng các giao dịch mua bán và sáp nhập BĐS trong khi các công ty tìm cách mở rộng thêm các lĩnh vực mới hay để cải thiện thị phần của họ.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ