Vicem xin bán trụ sở 31 tầng ở khu đất vàng nằm "đắp chiếu" 8 năm ròng

Cập nhật 10/06/2019 08:00

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng (VICEM) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị việc chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM có diện tích đất xấp xỉ 8.500 m2

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem chậm tiến độ, nằm đắp chiếu nhiều năm nay.

Theo quyết định phê duyệt năm 2010, dự án này có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn 81.000m2 ban đầu được dự kiến là Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM kết hợp cho thuê văn phòng.

Sở hữu vị trí đẹp trên đường Phạm Hùng, ngay cạnh tòa nhà Keangnam Landmark, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có tổng mức đầu tư dự kiến khi đó là 1.951 tỷ đồng, tuy nhiên trong quyết định năm 2011 thì được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng với mục đích làm trụ sở điều hành cho Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam kết hợp với văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại, tất cả đều đạt tiêu chuẩn hạng A.

Được khởi công vào 5/2011, tuy nhiên sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm và thân công trình thì dự án gần như bất động suốt nhiều năm nay. Trong khi đó, chủ đầu tư cho biết hiện tổng chi phí đã rót vào dự án này vào khoảng 1.430 tỷ, bằng vốn tự có.

Trong báo cáo, VICEM cho biết từ năm 2016 đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về chủ trương tìm nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương thoái vốn lĩnh vực ngoài ngành. Chủ trương này cũng được cơ quan quản lý đồng ý về mặt nguyên tắc.

Tổng công ty cho biết hiện đã thuê Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam đánh giá, đề xuất phương án xử lý dự án. Đến nay cơ bản các bộ, ngành liên quan đã đồng ý cho Vicem bán trụ sở, Vicem đã báo cáo Bộ Xây dựng việc tìm nhà đầu tư mua lại trụ sở.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Vicem rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc bán trụ sở của Vicem phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước

Về kết quả kinh doanh, ttrong năm 2018, tổng doanh thu của Vicem cán mốc 37.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017, tổng lợi nhuận trước thuế 2.811 tỷ đồng, tăng 11% so với mức 2.525 tỷ đồng của 2017.

Theo lãnh đạo Vicem, khoản lợi nhuận trước thuế đạt được trong năm 2018 ở mức 2.811 tỷ đồng là chưa tính khoản trích lập dự phòng đầu tư khi tái cấu trúc Vicem Hạ Long, bởi nếu tính cả khoản đầu tư này, thì lợi nhuận cả năm sẽ đạt 3.293 tỷ đồng, tăng 15%.

Năm 2019, Vicem đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 31 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2018.

Theo báo cáo tính đến thời điểm ngày 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là 13.163 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính (xi măng, clinker).

Tại công văn công bố hồi năm ngoái, Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh một số khoản đầu tư mang lại hiệu quả thì còn nhiều khoản đầu tư khác không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả không cao như: Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai... Thậm chí, một số công ty lỗ hoặc có số lỗ luỹ kế lớn như Vicem Tam Điệp, Xi măng Hạ Long và Sông Thao, Sông Đà 12, Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai.

Ngoài ra, Vicem còn “mắc kẹt” với khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú - Kratie và Đồng Nai - Kratie. Năm 2015, Vicem đã triển khai thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty này nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí