Top

Vì sao chưa thể xử lý các sai phạm của Alibaba

Cập nhật 19/06/2019 15:30

Nguy hiểm là bỏ ngoài tai lời cảnh báo của cơ quan chức năng và báo chí, không ít người vẫn lao vào hàng loạt dự án “bánh vẽ” của Công ty Alibaba.

Mới đây, trong cuộc họp báo thông tin liên quan đến việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (viết tắt là Công ty Alibaba) quảng cáo, bán đất dự án tại huyện Long Thành, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết đã phát hiện Công ty Alibaba tự đặt tên 27 “dự án”.

Tự ý đổ đá, làm đường

Tìm hiểu số lượng các dự án do Công ty Alibaba rao trên mạng thì có 27 dự án trên địa bàn huyện Long Thành được đặt tên, thực hiện quảng cáo tràn lan trên các trang web, mạng xã hội,...

Cụ thể, khi kiểm tra thực địa, cơ quan chức năng phát hiện có đến sáu khu đã được tự ý đổ đá, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp; một khu bó vỉa hè, gắn biển quảng cáo.

Liên quan đến tình trạng triển khai dự án khi chưa được cấp phép của Alibaba, đến nay UBND huyện Long Thành đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với bốn khu đất mà Công ty Alibaba tự làm đường, phân lô; UBND xã Long Phước đã lập biên bản đình chỉ thi công đổ đá. Tuy nhiên, vẫn còn một trường hợp người sử dụng đất là ông Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc đại diện pháp luật Công ty Alibaba) không thực hiện khắc phục nên UBND huyện Long Thành đang củng cố hồ sơ thực hiện cưỡng chế.

Tại một buổi mở bán dự án, một khách hàng đã trực tiếp đặt câu hỏi với CEO Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện: “Qua báo chí, tôi được biết địa ốc Alibaba dính 19 sai phạm ở Đồng Nai. Vậy thực tế là như thế nào?”.

Đáp trả lại câu hỏi trên, CEO Luyện khẳng định: “Từ trước tới giờ địa ốc Alibaba chưa hề có bất kỳ biên bản sai phạm nào với cơ quan chức năng và nếu chị đọc ở đâu đấy mà cầm được biên bản đó lên thì tôi sẽ thưởng cho chị 100 triệu”.

Ông Luyện lý giải: Khi địa ốc Alibaba mua đất là cá nhân đứng ra mua, sau đó ủy quyền cho một công ty đứng ra làm chủ đầu tư. Địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị hợp tác phân phối các dự án.

Theo ông Luyện, để có quyết định xử phạt địa ốc Alibaba liên quan đến vấn đề về dự án thì không có cơ sở pháp luật. Cơ sở pháp luật là cá nhân mua đất, sau đó ủy quyền lại cho một công ty để thực hiện việc tách sổ theo quy định pháp luật.

Một chi nhánh của Công ty Alibaba ở Long Thành (Đồng Nai) - Ảnh: VŨ HỘI

Cần xử lý mạnh tay hơn

Lý giải về việc liệu những sai phạm của Alibaba đã có đủ yếu tố cấu thành hình sự hay chưa, luật sư (LS) Nguyễn Văn Lộc (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng: Thứ nhất, khi Alibaba bán sản phẩm bất động sản mà chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh như luật kinh doanh bất động sản quy định thì Alibaba có dấu hiệu đang kinh doanh sản phẩm trái pháp luật.

Thứ hai, về việc gây ra hậu quả cho khách hàng. Hậu quả không chỉ xác định là đã có trường hợp khách hàng đi kiện tụng khi bán đất cho người dân do chưa có giấy tờ pháp lý hoàn chỉnh mà còn gây ra những hậu quả xã hội, như mất trật tự xã hội, đặc biệt là mất trật tự trong lĩnh vực kinh tế mà Alibaba bán dự án chưa cấp phép. Rõ ràng, việc xâm phạm đến lợi ích kinh tế của xã hội hoặc của một địa phương nào đó cũng là một trong những yếu tố cấu thành hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày 18-6, VKSND thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ký quyết định gia hạn tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh (SN 1995) để điều tra về hành vi cố ý hủy hoại tài sản.

Trước đó, ngày 13-6, khi UBND thị xã Phú Mỹ phối hợp với các phường, xã thực hiện tháo dỡ, phục hồi hiện trạng đối với hàng loạt dự án xây dựng khu dân cư trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) thì Trinh và Tĩnh đã huy động hàng trăm nhân viên mặc đồng phục màu đỏ có chữ Alibaba đến cản trở, đập phá phương tiện của lực lượng chức năng.

Theo bí thư Thị ủy thị xã Phú Mỹ, các trường hợp cưỡng chế kể trên là đúng quy định pháp luật, từ thời gian xử phạt hành chính đến ngày cưỡng chế.

“Việc lấy đất chưa đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh, bán cho người mua (mà người mua thiếu hiểu biết pháp luật) thì đó chính là có dấu hiệu thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng” - LS Lộc nhấn mạnh.

LS Lộc cũng cho rằng nếu hành vi của Alibaba đã gây ra hậu quả như vậy, thậm chí các sai phạm này đã diễn ra lâu dài, có hệ thống và có tính thường xuyên thì cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý.

Theo LS Lộc: “Mắt xích để giải quyết vòng luẩn quẩn này là quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng cần nhìn nhận sai phạm theo kiểu làm ăn Alibaba này là vi phạm hình sự, không phải là thỏa thuận dân sự của các bên”.

Có biểu hiện lừa dối khách hàng

Tại cuộc họp báo hồi giữa tháng 3-2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết hiện cơ quan chức năng địa phương vẫn đang tiếp tục xử lý sai phạm của Công ty Alibaba.

Còn đại diện phía Công an tỉnh Đồng Nai cho hay: Đến thời điểm này Công an tỉnh chưa nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của người dân về việc mua bán đất nền của Alibaba tại Đồng Nai.

“Tuy nhiên, công ty tự nhận là chủ đầu tư rồi lập bản vẽ, ghi quảng cáo, tờ rơi cam kết 100% cho khách hàng có sổ đỏ là sai quy định, có biểu hiện vi phạm Luật Đất đai, có biểu hiện lừa khách hàng” - đại diện Công an tỉnh Đồng Nai nói.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO