Về đâu dự án lọc dầu tỉ “đô”?

Cập nhật 07/04/2018 08:23

Việc thu hồi Dự án lọc hóa dầu tỉ “đô” ở cảng Vũng Rô (xã Hoà Tâm, huyện Đông Hòa, Phú Yên) đã gióng lên hồi chuông: Không phải dòng vốn FDI nào cũng đáng tin tưởng! Đây cũng là bài học lớn trong thẩm định năng lực tài chính của dòng vốn này.

Sau khi bị thu hồi, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô giờ đây là bãi cát trắng mênh mông, kèm theo đó là bao nhiêu trăn trở chất chồng trong tâm khảm người dân bản địa.

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô giờ vẫn là bãi cát trắng mênh mông.

Tiếng thở dài của người dân vùng dự án

Bà Nguyễn Thị Thương (64 tuổi) tỏ rõ mệt mỏi: "Gia đình được đền bù hơn 100 triệu đồng nhưng ngần ấy có còn không, khi mà dự án treo nhiều năm qua. Chưa kể, đó chỉ mới là tiền đền bù cây xanh, còn đất đai, nhà cửa thì chưa thấy đền bù. Bây giờ chúng tôi đi hay là tiếp tục ở lại? Nếu di dời đi thì cấp đất cho chúng tôi, còn nếu không đi thì cho bà con sửa sang, xây mới lại nhà cửa để làm ăn. Chúng tôi bị cầm chân ở đây quá dài rồi".

Trăn trở nhất vẫn là các hộ dân nằm trong diện đền bù, giải tỏa giai đoạn 2. Bởi, họ hầu hết chưa nhận được tiền đề bù, hỗ trợ. "Người dân cũng có hỏi khi nào được di dời, đi hay là tiếp tục ở lại thì chính quyền phản hồi chưa có kế hoạch" - ông Nguyễn Thái Bình (59 tuổi) thở dài.

Cơn bão số 12 vừa qua, nơi này, nhiều ngôi nhà cấp 4 đổ sụp, nhưng người dân muốn sửa nhà cũng không được. "Dầu đâu không thấy giờ chỉ thấy toàn là cát với cát" - ông Bình than thở. Theo ông Bình, cuộc sống người dân nơi đây rất chật vật, họ chỉ biết trông chờ vào con gà, con dê... chứ không biết làm gì để khá lên được.

Sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, công suất 8 triệu năm/tấn tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên được UBND tỉnh Phú Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 1/7/2013 với tổng mức đầu tư gần 3,2 tỉ USD, do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích đất sử dụng 538ha, trong đó 404ha đất xây dựng nhà máy, 134ha xây dựng cảng Bãi Cốc (chưa tính phần diện tích lấn biển) và sử dụng từ 500 đến 1.300ha diện tích mặt nước biển. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017.

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần cung cấp và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng vào thị trường lọc, hóa dầu của Việt Nam, góp phần giảm lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu. Đồng thời, dự án cũng tạo cú hích quan trong, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tháng 5/2014, UBND tỉnh và huyện Đông Hòa đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù 134/538 ha (giai đoạn 1).

Đại diện UBND huyện Đông Hòa cho biết, không có việc trả lại đất cho người dân. Thay vào đó, vùng đất xã Hòa Tâm nằm trong vùng Quy hoạch Khu Kinh tế Phú Yên nên huyện vẫn tiếp tục thu hồi đất để tạo đất sạch kêu gọi các nhà đầu tư khác. Thời gian đến, huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư

Hiện nay, UBND huyện Đông Hòa đang tích cực triển khai thu thập tài liệu, hồ sơ để lập phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho 31 trường hợp còn lại (thuộc khu vực 404 ha của giai đoạn 2) để phê duyệt và triển khai thực hiện, đồng thời vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với các phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư đã được UBND huyện phê duyệt. Tổng kinh phí đối với phần còn lại khoảng 55,3 tỉ đồng.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN