Top

Tung “chiêu” làm giá bất động sản

Cập nhật 14/11/2009 15:35

Trong khi thị trường bất động sản nhìn chung đang gần như “chết cứng”, thì tại nhiều dự án ở Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… nhiều người xếp hàng đi mua nhà, đất.

Lý giải về hiện tượng bất thường trên, các chủ đầu tư cho rằng do lượng khách hàng cao hơn số sản phẩm bán ra rất nhiều, nên tung ra sản phẩm là bán hết vèo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, hiện tượng này không phải do sự nóng lên của thị trường mà chủ yếu do chiêu “tạo sốt”, làm giá của chủ đầu tư.

Đầu tư của đám đông

Rất đông khách hàng kéo đến bốc thăm mua đất nền tại một dự án ở Bình Dương

Anh Tiến, trưởng phòng kinh doanh một công ty môi giới địa ốc tại TP.HCM, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến không ít đất dự án Bình Dương, Đồng Nai nóng sốt là do “chủ đầu tư biết khai thác triệt để tâm lý đám đông, rỉ tai trong mua bán bất động sản của khách hàng”. Quả thật, dù nguồn cung không thiếu nhưng tại không ít dự án, các chủ đầu tư càng tăng giá nhà, đất thì người dân lại càng đổ xô đi mua vì sợ giá sẽ còn tăng nữa.

Điển hình như vụ hàng ngàn người nô nức xếp hàng mua sản phẩm dự án The Green River tại khu công nghiệp và dân cư Thới Hoà (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), dù dự án mới trong giai đoạn san lấp làm hạ tầng, dự kiến đến năm 2010 mới chính thức được giao nền đất trên thực địa. Cụ thể là hơn 930 người đã kéo đến trụ sở công ty tại TP.HCM đặt cọc 30 triệu đồng/sản phẩm để được quyền đăng ký bốc thăm mua 300 nhà phố, biệt thự tại dự án. Những người không may mắn được quyền bốc thăm sẵn sàng trả chênh lệch tại chỗ 5 triệu đồng/sản phẩm.

Trước đó, hơn 700 khách hàng đổ xô đi bốc thăm 325 nền đất tại khu đô thị dịch vụ Hưng Phước (tỉnh Bình Dương). Để có được vé bốc thăm chọn nền, một tuần trước đó những khách hàng này phải đóng tiền cọc 20 triệu đồng… Cũng trong những ngày đầu tháng 11.2009, tại sàn giao dịch bất động sản Nam Cường (Hà Nội) đã diễn ra cảnh hỗn loạn khi hàng ngàn khách tranh giành, chen lấn xô đẩy để được tham gia bốc thăm quyền góp vốn. Một chuyên gia bất động sản nói không hiểu vì sao một dự án ở ngoại thành, toạ lạc tại một vị trí không phải là quá lý tưởng, lại có hàng ngàn người đổ xô tìm đến chỉ mong có được quyền góp vốn vào dự án. Mặt khác, phiếu bốc thăm quyền góp vốn này lại được mua bán theo kiểu “chợ đen” lên đến hàng chục triệu đồng mỗi phiếu.

Đang bị làm giá

Hiện nay, một sản phẩm bất động sản trước khi đến tay người sử dụng thường phải qua tay 1 - 2 đối tượng trung gian. Do vậy, mức chênh giữa giá gốc với giá bán có khi lên tới hàng chục triệu đồng và phần thiệt thòi (mua phải giá cao) thường rơi vào tay người có nhu cầu thật sự. Giá gốc một căn biệt thự tại dự án The Green River hiện 2,16 tỉ đồng (diện tích đất 397m2), căn nhà phố diện tích 150m2 (5 x 30m) với quy mô một trệt, hai lầu và sân thượng được chủ đầu tư đưa ra là 1,25 tỉ đồng. Trong đó giá chuyển nhượng đất là 400 triệu đồng (hơn 2,6 triệu đồng/m2) còn tiền xây dựng căn nhà được tạm tính tại thời điểm ký kết hợp đồng là 850 triệu đồng.
 

Nhiều người nghi ngờ việc một số chủ dự án công khai bốc thăm quyền góp vốn chỉ là để “đánh bóng thương hiệu” hơn là vì mục đích mang nhà giá gốc đến với người mua. Thực tế cho thấy, đa phần người bốc thăm là giới đầu cơ, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người dân có nhu cầu thực tìm mua nhà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều khách hàng đã mua đất ở Bình Dương, Đồng Nai… đang bị sa lầy, không thể thanh khoản được. Ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty địa ốc Vinaland, nói: “Trong tình hình đó mà hàng ngàn người đổ xô đi mua đất nền, nhà phố, biệt thự… là do một số chủ đầu tư làm quá tốt khâu PR để khai thác tâm lý đám đông”.

Giám đốc một công ty địa ốc khác tại TP.HCM thì cho rằng nguyên nhân khiến một số dự án thời gian qua bỗng dưng hút hàng, tăng giá là do bị chủ đầu tư làm giá, khi đưa hàng ra nhỏ giọt, tổ chức bốc thăm trước khi bán. “Trước khi bán, chủ đầu tư cho đặt cọc, khi đó họ sẽ nắm được số lượng khách hàng cần mua và đưa ra bán với một lượng hàng chỉ bằng 1/2, 1/3 nhu cầu. Từng bước tạo ra sự khan hàng, để khách hàng luôn trong tình trạng lo lắng không có hàng mua. Chính vì vậy, khi càng tăng giá, khách hàng càng muốn lao vào mua cho bằng được”, vị này cho biết.

Ngoài chiêu bốc thăm để làm giá đang được các công ty bất động sản sử dụng phổ biến, các công ty này thường tập hợp cho mình đông đảo các công ty môi giới, nhà đầu tư, “cò”… để khi có dự án mới thì những người này sẽ là lực lượng tạo “sóng”, lôi kéo các nhà đầu tư khác, kích thích vào tâm lý đầu tư bầy đàn. “Khi có dự án, những người này chỉ cần đặt cọc vài triệu để giữ suất. Nếu tìm được khách hàng sẽ đẩy đi lấy phần trăm, thông thường từ 15 – 20%/tổng giá trị hợp đồng. Còn nếu không tìm được khách hàng thì sẽ nhận lại cọc mà không mất gì. Do chỉ mất nước bọt, nên nhiều dự án khi mở bán nhà đầu tư ùn ùn kéo đến đặt cọc, gây nên tình trạng khan hàng, tăng giá… giả tạo”, vị này phân tích thêm.

Không dừng lại ở đó, một số nhà đầu tư còn áp dụng nhiều chiêu khác để khuấy động thị trường bất động sản. Chẳng hạn, khi thị trường đang ảm đạm, chủ đầu tư chủ động giảm giá bán, nhưng chỉ tung hàng ra một số lượng nhất định. Khách hàng thấy hạ giá lập tức rủ nhau đi mua, đến khi hàng hết thì vẫn có nhiều người sẵn sàng mua lại với giá cao hơn. Lợi dụng tình hình đó, chủ đầu tư tiếp tục tăng giá bán. Nhờ chiêu này, chủ đầu tư khiến khách hàng tự mình nâng giá bán cho sản phẩm.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị