Top

TS Phạm Sỹ Liêm: Cần mạnh tay hơn với các dự án lấn biển sai phạm

Cập nhật 23/03/2018 09:17

Việc lấn biển để xây dựng đang được xem như một hướng đi mới trong việc phát triển đô thị trong bối cảnh quỹ đất ngày càng eo hẹp. Tuy nhiên, việc làm này cần hết sức cân nhắc vì những dự án lấn biển có tác động rất lớn đến môi trường, xã hội…

Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng - Ảnh: Internet

Đặc biệt chú trọng môi trường

Với chiều dài 3.200km, bờ biển nước ta rất thuận tiện cho việc lấn biển, mở rộng độ thị. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của đất nước, là nguồn sống, kế sinh nhai của cộng đồng dân cư khu vực. Nếu không cẩn trọng, việc lấn biển sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại hệ sinh thái, đa dạng sinh học của khu vực xung quanh, triệt hạ nguồn tài nguyên chung của cộng đồng.

Điển hình như Khu đô thị quốc tế Đa Phước lấn vịnh Đà Nẵng, tổng quy mô bồi lấp 204 ha nhưng khiến Đà Nẵng phải tốn hàng trăm tỉ đồng để khắc phục hậu quả từ việc lấn biển trên. Hay như tỉnh Quảng Ninh với 43 dự án lấn biển với tổng số diện tích quy hoạch trên 7.600 ha đã làm ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông và làm chất lượng nước của Vịnh Hạ Long xấu đi…

Đặc biệt gần đây, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc khu vực thành phố Nha Trang có hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang như dự án Nha Trang Sao, dự án khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa…

Trăn trở với sự phát triển của đô thị, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết vấn đề quan trọng không phải là xây dựng mà là môi trường và những dự án xây dựng ở dọc bờ biển là thuộc vị trí nhạy cảm.

“Nước thải, rác thải trong khu dân cư thải đi đâu ngoài biển?”, ông Liêm đặt câu hỏi và cho rằng nếu làm không cẩn thận, việc này có ảnh hưởng nặng nề đến sự đa dạng sinh học. “Ngày xưa, ở vịnh Ba Ngòi có cá heo từng đàn rất đẹp, nhưng sau này thì không còn cá heo nữa. Do đó, khi đầu tư cần phải xem xét”, ông Liêm hồi tưởng.

Chuyên gia này nêu rõ bờ biển là một cảnh quan thiên nhiên đẹp và ở đâu cũng muốn xây công trình cao lên, có tầm nhìn ra biển. Đôi khi, các nhà đầu tư biến dự án thành bức tường chắn gió, chắn tầm nhìn và lấy đi không gian của dân sau bức tường đó.

Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, việc lấn biển nếu không xem xét kỹ lưỡng câu chuyện đa dạng sinh học, môi trường thì thay vì phát triển lại gây tác động tiêu cực. “Đôi khi, cả vùng biển thay đổi, dẫn tới hệ sinh thái thay đổi và khiến nhiều loài sinh vật mất đi”, ông Võ nói.

Ông cho rằng trước khi cho phép lấn biển cần phải nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, chặt chẽ và trong quá trình làm, chính quyền cần giám sát thường xuyên.

Mạnh tay với nhà đầu tư sai phạm

Để tránh những sai phạm và hệ lụy đáng tiếc trong việc lấn biển, các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng vị trí đầu tư, đồng thời phải mạnh tay đối với những dự án sai phạm.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, thị trường bất động sản ven biển rất phát triển và chuyện nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận không có gì lạ. Do đó, đôi khi họ lấn chiếm, vượt quá quy hoạch được duyệt. Vấn đề quan trọng không phải là đợi cho họ làm xong rồi mới xử phạt mà phải ngăn chặn ngay từ khâu thực hiện.

“Thực ra, chính quyền địa phương đều biết việc này, nhưng cứ làm lơ đi. Đến khi doanh nghiệp làm xong rồi, dư luận lên tiếng thì mới báo động sai phạm và rồi lại phạt cho tồn tại”, ông Liêm nói và nhấn mạnh, với cách quản lý như vậy, doanh nghiệp sẽ tiếp tục vi phạm chứ không chấm dứt được.

Do đó, ông Liêm nhấn mạnh rằng, Thủ tướng cần nghiêm khắc, phải thu hồi một số dự án làm gương, răn đe các dự án khác.

Cũng theo ông Liêm, việc xử phạt phải được thực hiện nghiêm. Có 2 hình thức xử lý: Một là phải dỡ bỏ những phần vi phạm và nộp phạt. Còn thứ hai, nếu xét thấy những công trình có vi phạm nhưng hậu quả không quá nghiêm trọng thì phạt hành chính, vẫn cho tồn tại nhưng mức phạt phải đủ để triệt tiêu các lợi ích mà vi phạm đó đem lại.

“Nếu chỉ phạt hành chính vài trăm triệu thì không nghĩa lý gì đối với doanh nghiệp”, ông Liêm nêu.

Còn GS Đặng Hùng Võ cho rằng, quan trọng nhất vẫn là việc ngăn chặn những hệ lụy của dự án trước khi nó xảy ra. Cần thiết phải nghiên cứu kỹ lưỡng khu vực, xong rồi đưa vào quy hoạch. Trong quy hoạch đó phải nêu rõ việc nên lấn biển hay không lấn biển ở từng khu vực cụ thể.

Cùng với đó, ông Võ cho rằng phải có đánh giá tác động chặt chẽ, thực chất để biết rõ tác động tích cực hay tiêu cực đến địa phương.

“Nếu chưa nghiên cứu mà cho nhà đầu tư vào sẽ bị nhà đầu tư dẫn dắt. Nhà đầu tư chỉ được xuất hiện sau khi quy hoạch hợp lý được duyệt. Còn khi nhà đầu tư được phép đầu tư mà vẫn làm quá giới hạn thì buộc phải xử lý theo luật định. Bên cạnh đó, cần phải truy trách nhiệm của chính quyền, do chính quyền kiểm soát không tốt”, ông Võ nêu.

Theo TS Liêm, cần phải có định hướng, chiến lược phát triển bờ biển, còn việc lập quy hoạch chung phải tùy nhu cầu, thời điểm cụ thể. Theo đó, có thể điều chỉnh theo từng thời điểm để phù hợp với thị trường, bối cảnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong việc đầu tư cần hết sức minh bạch và phải tham vấn ý kiến giới chuyên môn, ý kiến cộng đồng, nhất là cư dân khu vực dự án vì chính họ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cần tránh tình trạng lợi ích rơi vào một số người, còn người dân thì thiệt hại. Một dự án muốn thành công cần phải hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, địa phương và cộng đồng dân cư.


DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới