Top

TP.HCM sẽ có ứng dụng điện tử để người mua tra cứu pháp lý dự án

Cập nhật 24/01/2019 17:15

Đây là thông tin được ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại buổi làm việc với Hiệp hội BĐS TP.HCM chiều 23/1.

Trao đổi với nhiều doanh nghiệp BĐS tại buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng sẽ có ứng dụng điện tử thông tin đầy đủ về pháp lý dự án cho người mua để tránh tình trạng chủ đầu tư “chưa có gì đã bán” diễn ra trong thời gian qua.

Thời gian qua, thành phố đã có chỉ đạo việc công khai minh bạch bằng ứng dụng điện tử về thông tin hồ sơ pháp lý để người dân tìm hiểu tính pháp lý của dự án. Nếu có kênh minh bạch để người dân, doanh nghiệp có nhu cầu mua kiểm tra thì rất an tâm, rõ ràng.

Đề cập đến câu chuyện rà soát hồ sơ pháp lý các dự án thời gian qua, ông Tuyến nói rằng đó là việc làm hết sức bình thường, tuy nhiên thời gian qua chưa chặt chẽ. Quan điểm của TP vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân mua nhà lẫn doanh nghiệp phát triển dự án nếu cái sai thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.

                                   
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng TP.HCM sẽ có ứng dụng điện tử để người mua tra cứu pháp lý dự án. Ảnh: Lê Quân.

"Tôi mong muốn các doanh nghiệp cần bình tĩnh. Lãnh đạo thành phố luôn đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Những sai sót pháp lý thuộc về cán bộ quản lý Nhà nước sẽ bị xử lý không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong trường hợp thất thoát đất công, ngân sách Nhà nước có liên quan đến sự tiếp tay của doanh nghiệp thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo pháp luật ", ông Tuyến nói.

Theo vị lãnh đạo này, trường hợp thất thoát đất công, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý và thực hiện đầy đủ qui định của nhà nước. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp và có yếu tố lịch sử quản lý nên việc giải quyết trong một sớm một chiều là rất khó khăn.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp cũng trực tiếp trình bày các vướng mắc của mình, những vấn đề này đã được doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần mà chưa được hồi đáp hay giải quyết.

Cụ thể, đại diện CTCP Địa ốc Phú Long cho biết, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ ngày 1/12/2004, đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND TP cấp "sổ đỏ". Công ty cũng đã đầu tư xây dựng hình thành nên khu đô thị mới Dragon City (trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè).

Tuy nhiên cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn một căn nhà và đất của một số hộ dân không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cản trở việc triển khai đầu tư xây dựng dự án, thậm chí tự ý xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào của công ty trong các ngày 30 và 31/10/2018. Công ty đề nghị thành phố và huyện Nhà Bè hỗ trợ để giao đất đầy đủ cho công ty triển khai thực hiện dự án.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực nêu kiến nghị về việc CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh xin đóng tiền sử dụng đất bổ sung của dự án Khu dân cư Sài Gòn Xanh, phường 16, quận 8.

Cụ thể, khu đất dự án có sự thay đổi về lộ giới nên gia tăng thêm khoảng 125 m2 diện tích (tương ứng khoảng 3% tổng diện tích dự án). Tuy nhiên, việc đóng tiền sử dụng đất cho phần diện tích tăng thêm này đang vướng mắc và gặp khó khăn.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết trong trường hợp của CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh bắt buộc phải đóng thêm tiền sử dụng đất cho phần diện tích tăng thêm.

“Mặc dù diện tích đất tăng thêm nhỏ, cả phía doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đều muốn giải quyết nhanh gọn. Nhưng theo quy định, phần tiền sử dụng đất cứ trên 30 tỷ đồng thì bắt buộc phải thông qua bước thẩm định giá đất. Vì vậy, trường hợp này không thể giải quyết nhanh mà vượt quy định pháp luật được”, ông Thắng cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “TP.HCM luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp vì thành phố có phát triển tốt thì cộng đồng doanh nghiệp đóng góp không hề nhỏ. Những vướng mắc doanh nghiệp nêu các cơ quan đơn vị liên quan sẽ tập trung giải quyết chứ không để tình trạng doanh nghiệp phải chờ đợi hay van nài".



Diaoconline.vn – Theo Zing