Top

TPHCM: Không xây thêm chợ ở khu vực nội thành

Cập nhật 23/06/2018 11:30

Không xây mới chợ ở khu vực nội thành; sửa chữa, nâng cấp các chợ hiện hữu; tập trung duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch.

Đây là một trong những nội dung nằm trong quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Công Thương TPHCM công bố hôm nay (22-6).

Mục tiêu quy hoạch phát triển ngành thương mại là tới năm 2025-2030 hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. Trong hình: Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: VY

Chuyển đổi công năng của chợ

Cụ thể, nội dung của quy hoạch nêu rõ, sẽ không phát triển thêm, xây mới đối với chợ bán lẻ khu vực nội thành thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú; quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân.

Việc xây dựng chợ mới (nếu có) chỉ để phục vụ công tác giải tỏa, di dời các chợ hiện hữu. Song song đó, sửa chữa, nâng cấp các chợ hiện hữu và tập trung duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông... để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, sẽ rà soát, lựa chọn các chợ hoạt động không hiệu quả, có diện tích xây dựng từ 800 - 1.000 m2 trở lên để nâng cấp, chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối hiện đại phù hợp dựa trên nguồn vốn xã hội hóa.

Đối với chợ bán lẻ khu vực ngoại thành của các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ sẽ sửa chữa, nâng cấp, xem xét xây dựng mới chợ hạng III để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Xem xét xây dựng mới chợ hạng I hoặc hạng II ở khu vực trung tâm của huyện, làm hạt nhân của mạng lưới chợ dân sinh phục vụ các xã, cụm dân cư.

Đặc biệt, đối với ba chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn sẽ hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch của khu vực phía Nam.

Đồng thời với kế hoạch trên, nội dung quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM cũng đề ra các giải pháp thực hiện quy hoạch chợ như xây dựng, hoàn thiện các công trình phụ trợ (bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng…); tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác.

Trong đó, đề xuất mức thu phí dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước tại TPHCM (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) không quá 200.000 đồng/m2/tháng.

Đối với siêu thị và trung tâm thương mại, mục tiêu tới năm 2025-2030 hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
Chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, có thể áp dụng mức thu phí dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đối với các chợ truyền thống cao hơn mức thu được quy định tại quyết định này, nhưng tối đa không quá 2 lần mức thu của chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Căn cứ trên quyết định của UBND TPHCM ban hành, UBND các quận, huyện sẽ ban hành quyết định mức giá cụ thể của từng chợ trên địa bàn trong thời gian tới.

Đối với siêu thị và trung tâm thương mại, mục tiêu tới năm 2025-2030 hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.

Đối với cửa hàng bán lẻ, khuyến khích nâng cấp, sáp nhập cửa hàng tạp hóa vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi theo phương thức nhượng quyền thương mại để vừa hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, vừa cải tiến phương thức kinh doanh; khuyến khích phát triển cửa hàng chuyên doanh tập trung thành các tuyến đường chuyên doanh từng nhóm sản phẩm; huyến khích phát triển cửa hàng tiện lợi tại các chung cư, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga các tuyến đường sắt đô thị (metro)…

Hạ tầng logistics giữ vai trò nền tảng

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng, tạo sự ổn định, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành thương mại. Theo đó, sẽ hình thành mạng lưới trung tâm phân phối hàng hóa để làm nơi tập trung, lưu trữ, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối hoạt động trong nội thành. Những trung tâm này sẽ được đặt tại các khu vực đầu mối giao thông như sân bay, bến cảng…

Thêm vào đó, TPHCM sẽ phát triển ba trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành; hàng hóa xuất - nhập khẩu thông qua địa bàn TPHCM được đặt tại các cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, khu vực đầu mối giao thông liên tỉnh.

Cũng từ những mục tiêu đặt ra đối với việc phát triển logistics, phát triển ngành bán lẻ, quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố hướng tới tốc độ tăng trưởng cao.

Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 8,55-11,53%/năm; giai đoạn năm 2021 - 2025 từ 10,89-14,02%/năm; giai đoạn năm 2026 - 2030 từ 6,82-9,06%/năm.

TPHCM cũng quy hoạch tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%; Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt khoảng 9-10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, góp phần kéo giảm chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%...

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 239 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 14 hạng I, 54 hạng II, 168 hạng III và chợ tạm; 207 siêu thị, gồm: 66 siêu thị hạng I, 64 hạng II, 77 hạng III; tương đương 96 siêu thị chuyên ngành và 111 siêu thị tổng hợp; 43 trung tâm thương mại.
/P>



DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG