Top

TP HCM: Lãng phí đất công, thất thu ngân sách chỉ là phần nổi

Cập nhật 19/06/2018 09:30

Thông tin từ ông Ngô Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý công sản, Sở Tài Chính TP Hồ Chí Minh cho biết: Tổng số nhà, đất công trên địa bàn thành phố qua rà soát có 12.832 địa chỉ. Trong khối công sản khổng lồ này, khối các cơ quan Trung ương quản lý 2.000 địa chỉ và 10.832 địa chỉ do các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hồ Chí Minh quản lý.

Sau khi rà soát, sắp xếp lại, các cơ quan đơn vị của Trung ương quản lý sử dụng 1.307 địa chỉ, còn lại 6.597 địa chỉ tiếp tục bố trí cho các đơn vị, cơ quan thuộc TP Hồ Chí Minh quản lý, sử dụng. Tất cả số địa chỉ công sản nhà, đất còn lại, đều phải thu hồi, bán đấu giá.

Việc thu hồi nhà đất công đang gặp phải rất nhiều thủ tục, vướng mắc từ phía các cơ quan chủ quản, quản lý sử dụng nhà đất. Hiện nay, thành phố đang phối hợp cùng các Bộ Ngành liên quan, lập các phương án thu hồi khoảng 320 địa chỉ công sản có tổng diện tích hơn 1 triệu mét vuông.

Khu đất 32 ha tại Nhà Bè.

Trong đó, có 197 địa chỉ công sản do các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý và 123 công sản do các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý. Khó khăn, vướng mắc chưa tháo gỡ do nhiều năm trôi qua không cơ quan thẩm quyền nào quan tâm. Nhiều lô đất vàng rất giá trị đã được cấp cho các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, các Viện khoa học, Trung tâm nghiên cứu… Các công sản này lại còn liên quan đến Cục quản lý Công sản, Bộ Tài Chính. Riêng tại các quận, huyện thuộc TP Hồ Chí Minh đã có 2.000 địa chỉ công sản, nhà đất do các cơ quan, đơn vị Trung ương quản lý.

Nếu đi qua khỏi bến xe Miền Tây về hướng vòng xoay An Lạc, trên đoạn đường Kinh Dương Vương (Q6, Bình Tân) ai cũng có thể nhìn thấy những bờ tường dài dằng dặc nằm ngay mặt tiền bỏ hoang phế rất lãng phí.

Khu đất như 9.000m2 tại số 620 Kinh Dương Vương vào năm 2004 thành phố giao cho Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar Bộ Y tế sử dụng đến nay đã xuống cấp,  hư hỏng rất nặng. Gần đó là khu đất 2.500m² của Công ty Xi măng Hà Tiên I, hay khu đất số 538 diện tích 14.000m² trước đây giao cho Công ty Phân bón Miền nam  quản lý… đều đã bỏ hoang trống trơ từ nhiều năm nay.

Đất nhà công sản do thành phố, giao cho các cơ quan, đơn vị Trung ương quản lý, sử dụng vài chục năm về trước, nhiều nơi đã bỏ hoang tàn hoặc sử dụng sai mục đích, hay tại các cấp quận huyện quản lý, công sản cũng thiên biến vạn hóa với trăm ngàn lý do khác nhau.

Ngoài các qui định chung, các quyết định, nghị quyết, thông tư thì mỗi địa phương có những áp dụng riêng. Báo cáo của UBND quận Thủ Đức cho biết: hiện có 339 địa chỉ nhà đất công sản. Phương án xử lý đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt rất cụ thể. Nhưng đến nay quận Thủ Đức vẫn còn 59 địa chỉ nhà đất chưa kê khai, chưa đưa vào diện xử lý theo Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ thực tế bán đấu giá nhà đất tại 30 địa chỉ trên địa bàn Thủ Đức cho thấy, xuất hiện những bất cập, mặc dù cùng duyệt đơn giá vào năm 2016.

Nhà đất tại số 954 Kha Vạn Cân, phường Trường Thọ có diện tích 108m², được bán với giá 1,5 tỷ đồng. Nhưng tại số 1004 Kha Vạn Cân cùng phường, diện tích 74m² thì được bán với giá gần 7 tỷ đồng. Nhiều địa chỉ công sản khác đang cho thuê, nhưng giá chênh lệch nhau là khá lớn. Sự khác biệt này được giải thích, do thuê ở trước 2008 nên thẩm định giá bán chỉ định còn nơi khác là bán đấu giá. Tổng thu hàng tháng các địa chỉ nhà đất quận Thủ Đức khoảng 9 tỷ đồng nghe đã khó thuyết phục.

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Quận 4 Bùi Thanh Tân cho biết: khu đất 800m² tại số 232 Nguyễn Tất Thành trước đây Thành phố giao cho Công ty CP Xây lắp - Bộ Công thương thuê, đến năm 2015 hết hạn, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn sử dụng.

Quận 4 đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng trường học. Nhưng có phải dễ dàng gì. Bởi bên trong diện tích mà doanh nghiệp đã thuê, bao nhiêu năm qua đã có những phát sinh gì, có ai từng kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa? Hơn nữa cơ quan chủ quản các cơ quan đơn vị sử dụng thuộc cấp Bộ, Ngành Trung ương.

Nhiều cơ quan, đơn vị Trung ương đã tận dụng tối đa diện tích nhà đất được cấp làm trụ sở, văn phòng đã cho nhiều đơn vị khác thuê lại "tùng xẻo" như Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam (121 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P Đa Kao), Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ (số 12 Nguyễn Chí Thanh, Q10)… Qũy đất của thành phố sẽ cạn kiệt dần nếu như không sớm rà soát, sắp xếp, thu hồi lại nhà đất công sản đang nằm rải rác khắp nơi.

Mọi vấn đề liên quan, xử lý phải từ chính các cơ quan quản lý công sản phát lộ và chính quyền các cấp cùng vào cuộc mới sớm thu hồi, đấu giá khối tài sản khổng lồ hàng trăm ngàn tỷ đồng của nhà nước đang thất thoát lãng phí. Mà, vụ bán rẻ và cho thuê giá rẻ mạt khu đất dự án 32,4ha ở Phước Kiển, Nhà Bè và 5.000m² đất tại khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, Quận 1 gây xôn xao dư luận thời gian qua chỉ là những ví dụ điển hình.

Với hàng ngàn địa chỉ công sản nhà đất như hiện nay, mỗi năm ngân sách TP Hồ Chí Minh thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng. Cần phải sớm rà soát, kiểm kê và ban hành các quy chế, phối hợp cùng các Bộ, Ngành Trung ương để sắp xếp lại các cơ quan đơn vị tổ chức đang sử dụng đất nhà công sản tại Thành phố.

Mặt khác, thành phố cần phải quyết liệt thu hồi các địa chỉ công sản để bán đấu giá công khai và minh bạch cùng với việc xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lãng phí tài sản công.

DiaOcOnline.vn - Theo CAND