Top

Tìm điểm vướng cản bước người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Cập nhật 23/06/2017 14:41

Xoay quanh những khó khăn cản trở người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, dù Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực 2 năm, Đầu tư Bất động sản có cuộc trò chuyện với ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam vẫn còn thấp so với sự quan tâm và nhu cầu. Ảnh: Lê Toàn

* Hiện các thủ tục pháp lý đã thật sự thông thoáng để tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa, thưa ông?

Hiện nay, về cơ bản, các thủ tục này đã rất rõ ràng, dễ hiểu và nhìn chung đã nhận được phản hồi rất tốt từ cả phía người bán và người mua. Thực ra, đã có rất nhiều dự án đạt ngưỡng giới hạn sở hữu dành cho người nước ngoài.

Dù vậy, tất nhiên vẫn có những điểm có thể cải thiện trong vấn đề này để duy trì và phát huy những diễn biến tích cực hiện có. Chẳng hạn, các văn bản giấy tờ cần được cung cấp sớm nhất cho các nhà đầu tư đủ điều kiện và được phép đầu tư vào thị trường Việt Nam. Vì thế, các thủ tục pháp lý vẫn có thể cải thiện hơn nữa.

Cũng phải lưu ý rằng, đây không phải là vấn đề ở phạm vị địa phương nhỏ, mà là hình ảnh của cả một quốc gia trong mắt các nhà đầu tư.

* Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015 có giới hạn số lượng căn hộ mà người nước ngoài được mua tại một dự án nhà ở. Theo ông, giới hạn này liệu có quá chặt hay không, đặc biệt là ở những địa phương, những khu vực tập trung lượng lớn người nước ngoài sinh sống và làm việc?

Tôi đánh giá đây là một khởi đầu rất tốt. Dù vậy, rất nhiều dự án ở các điểm du lịch nổi tiếng và khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống đã đạt tới giới hạn khá nhanh.

Việc giới hạn và quản lý vấn đề đầu tư từ nước ngoài là rất quan trọng, nhằm tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội Việt Nam nói chung. Tuy vậy, tôi nghĩ, các cơ quan nhà nước có thể nghiên cứu và cân nhắc việc nới lỏng giới hạn này cho một số khu vực, dự án hoặc một số loại hình bất động sản, như bất động sản nghỉ dưỡng, hoặc các chung cư hạng A.

Tôi nghĩ, chúng ta nên có một phạm vi giới hạn thay vì giới hạn cố định 10% hoặc 30% như hiện nay. Savills khuyến nghị các cơ quan nhà nước nên tiếp tục thảo luận và nghiên cứu nhằm điều chỉnh giới hạn cho một số trường hợp cho phù hợp.

* Theo thống kê, sau 2 năm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, đã có 549 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được cấp cho tổ chức và cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về con số này?

Thị trường đã có phản hồi tích cực với sửa đổi này trong Luật Nhà ở 2014. Nhiều khách hàng nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy vậy, số lượng sổ đỏ được cấp cho tổ chức và cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn tương đối thấp, nếu so với sự quan tâm và nhu cầu của khách hàng.

* Theo ông, những tác nhân gì đang giới hạn số lượng sổ đỏ được cấp cho người nước ngoài?

Như đã nói ở trên, khung pháp lý và quy định hiện đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, quy trình cấp sổ đỏ cần được tập trung hóa, hoặc ít nhất các hướng dẫn cụ thể, cần được phổ biến đến tất cả các địa phương, thay vì tập trung vào một vài khu vực như hiện nay.

Bởi điều này có thể gây ra những trục trặc, vướng mắc trong công tác hành chính tại một số địa phương không quen thuộc với quy trình này và có ít giao dịch với người nước ngoài.

Đây có thể là nguồn gốc của những thông tin về rào cản mà chúng ta thấy gần đây về vấn đề hành chính cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản