Tìm cách sống sót cùng bất động sản

Cập nhật 27/04/2013 08:04

Những khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng vẫn còn ở phía trước. Đây là lúc các doanh nghiệp (DN) nhìn lại, không ít DN tìm cách tháo chạy, những ai còn lại cũng phải thay tư duy để tự cứu lấy mình và có thể sống lâu dài với BĐS.

Từ bỏ giấc mơ

Cơn sốt giá nhà và lợi nhuận khủng từ kinh doanh BĐS đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp đã đổ xô vào đầu tư phát triển BĐS mà không có những tính toán lâu dài, thậm chí ở một số DN với dự án "tay không bắt giặc".

Thị trường BĐS đang diễn ra cuộc sàng lọc lớn, những DN không có chức năng chính là kinh doanh BĐS đã và đang thoái vốn khỏi lĩnh vực này, các DN khác buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Bộ Xây dựng vừa có quyết định tái cấu trúc lại Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) giai đoạn 2012 đến 2015. Trong đó có yêu cầu Lilama rút khỏi ngành nghề BĐS. Đơn vị này sẽ tập trung vào lĩnh vực xây lắp, chế tạo, vốn là lĩnh vực hoạt động truyền thống, chứ không phải là lĩnh vực BĐS.


Ngay cả đại gia lớn như Vinaconex cũng phải dừng cuộc chơi. Vừa hoàn tất chuyển nhượng cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành, Vinaconex đã chính thức rút khỏi siêu dự án ParkCity đang "đắp chiếu" hàng năm trời. Đơn vị này cũng đang ráo riết tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng cổ phần tại dự án Spendora Trước đó, Vinaconex cũng đã thoái phần lớn vốn tại một số đơn vị thành viên khác có liên quan đến BĐS và xây dựng.

Theo Vinaconex, nguyên nhân của việc thoái vốn để "tái cơ cấu danh mục đầu tư" của Tổng công ty. Tuy nhiên, nhìn vào cách thoái của "đại gia" này đủ biết họ đã khốn khổ như thế nào khi đầu tư dàn trải, đặc biệt là vốn đổ vào BĐS.

Trước Vinaconex thì đã có không ít tập đoàn tên tuổi khác cũng đã vội vã tiến hành thoái sạch vốn khỏi sân chơi BĐS như Kinh Đô, Hoa Sen, Sơn Hà,...

Tình trạng này cũng đã không phải là quá hiếm với các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ BĐS của VinaCapital cho biết, trong thời gian tới sẽ không đầu tư vào dự án mới mà sẽ rút vốn, nâng cao lợi nhuận và hoàn vốn cho nhà đầu tư. Thời gian qua, quỹ cũng đã thoái vốn hoàn toàn tại 10 dự án và thoái vốn một phần tại một dự án khác hơn 357,6 triệu USD đã được đầu tư vào các lĩnh vực chính, gồm cả các dự án mới, dự án đình trệ và các tài sản đang khai thác.

Sống lâu dài với bất động sản

Do quá khó khăn về nguồn vốn, năm 2012, nhiều doanh nghiệp BĐS phải co cụm hoạt động, những đồng vốn ít ỏi của doanh nghiệp được sử dụng đầy tính toán. Có doanh nghiệp tạm dừng nhiều dự án BĐS để tập trung nguồn vốn vào một dự án trọng điểm hoặc lĩnh vực trọng tâm của mình.

Thị trường BĐS trong năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn, trong kế hoạch tài chính của nhiều doanh nghiệp, việc dừng dự án hoặc bán một phần hay bán toàn bộ một dự án BĐS để cân đối nguồn tài chính sẽ được tính đến. Thậm chí, vì khó khăn, một số công ty phải chấp nhận ảnh hưởng tới thương hiệu, hạ bớt uy tín để giãn tiến độ dự án, chờ thời điểm kinh tế Việt Nam và thị trường BĐS bớt khó khăn.

Gần đây ông Lê Đức Hải, chủ tịch của INT cũng thừa nhận: "Gia đình tôi cũng chuyển đến sống ngay tại công trường, con tôi chuyển từ trường quốc tế đến trường làng. Bản thân tôi trực tiếp tham gia điều hành, loại bỏ nhiều khâu trung gian, trực tiếp cơ cấu các khoản nợ, trực tiếp có mặt tại công trường, trực tiếp gặp gỡ khách hàng, lắng nghe ý kiến đóng góp, hoàn thiện sản phẩm, cùng tháo gỡ khó khăn về tài chính".

Nhìn nhận về thị trường BĐS trong suốt quá trình "hồi sinh" sau cú sốc 2005 đến giai đoạn ngủ đông như hiện nay, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch hội đồng quản trị Reenco Sông Hồng cho rằng, thị trường thực ra mới chỉ ở giai đoạn sơ khai nên khó tránh khỏi những vấp ngã. Bài học xương máu của các nhà đầu tư địa ốc sau trào lưu "nhà nhà đi buôn BĐS", gây hỗn loạn thị trường với những cơn sốt ảo còn đó...

"Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường BĐS Việt Nam 'vấp ngã ở tuổi 20', giống như một người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm là điều hết sức bình thường. Có khi chính sự 'vấp ngã' này lại là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, cấu trúc lại doanh nghiệp để vượt qua khó khăn," ông trầm ngâm nói.

Tình hình thực tế cho thấy, các doanh nghiệp BĐS đang thiếu vốn trầm trọng và lỗ hàng trăm tỷ đồng sau khi thị trường "đóng băng." Tuy nhiên, trong khó khăn lại là cơ hội để tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, buộc DN phải thích nghi với sự thay đổi để tồn tại. Theo nhận định của các nhà quản lý, đây là thời điểm cho thấy DN nào có thể thực sự phát triển bền vững. Muốn vậy, bản thân các DN cần có sự đánh giá lại chính mình, kiểm tra lại năng lực của mình để có sự thay đổi phù hợp.

Ông Trần Ngọc Quang, chuyên gia BĐS cho biết, nhiều DN cứ nhắc đến tái cấu trúc là nghĩ rằng DN đó có vấn đề. Thực ra việc tái cấu trúc là rất cần thiết để nâng cao sức khỏe DN. "Chúng ta đang hướng tới sự chuyên nghiệp chứ chưa có sự chuyên nghiệp. Như việc đánh giá thị trường thì phải tiến hành khảo sát trên quy mô rộng, rất tốn kém. Nhưng hiện nay chúng ta chủ yếu đánh giá trên các con số thống kê, đánh giá một cách đơn thuần, rất khó xác định chính xác hướng đi của thị trường. Người làm kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực BĐS cần phải nắm rõ được thị trường, để từ đó có thể khai thác thị trường một cách hiệu quả", ông Quang cho hay.

Bên cạnh đó, "liều thuốc" tăng năng lực cạnh tranh, tồn tại và phát triển cũng sẽ khiến doanh nghiệp phải triển khai nhiều giải pháp cho "căn bệnh" đói vốn, mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư tư nhân, tìm kiếm đối tác chiến lược, huy động vốn thông qua việc phát hành các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp..

DiaOcOnline.vn - Theo Vef