Top

Thuế tài sản: không phải để tận thu!

Cập nhật 23/04/2018 16:04

Dư luận xã hội sau buổi họp báo chuyên đề giới thiệu dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính (hôm 13-4) nhìn chung là phản đối. Vì sao một sắc thuế vốn phổ biến ở các nước, nhưng ở Việt Nam mới chỉ là ý tưởng đề xuất đã bị phản ứng dữ đội? Liệu điều đó có xuất phát từ bản chất của loại thuế này, hay do nguyên nhân đặc thù nào khác? Nếu áp dụng thì nên xác định đối tượng chịu thuế, thuế suất... như thế nào? TBKTSG xin giới thiệu góc nhìn đa chiều của các chuyên gia kinh tế về vấn đề đang được đặc biệt quan tâm này.


Cải cách cơ cấu thuế cần hướng tới việc đa dạng hóa nguồn thu và tối thiểu hóa tác động của thu thuế đến sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thay vì tận thu cho chi tiêu ngân sách. Ảnh: Thành Hoa.

Dự thảo đánh thuế tài sản trong nội dung tờ trình của Bộ Tài chính lên Chính phủ mới đây đã gặp phải sự phản ứng mạnh từ dư luận. Thuế luôn nằm trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa chính quyền và người dân, đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam, khi ngân sách nhà nước có được từ thuế được sử dụng thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, tách bạch giữa việc ngăn chặn tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách với việc đánh giá tính hợp lý và cần thiết của một sắc thuế là điều nên làm.

Tính khả thi của thuế tài sản

Trên thực tế, thuế tài sản đánh vào sở hữu bất động sản là sắc thuế quan trọng và được áp dụng phổ biến trên thế giới. Ví dụ ở Mỹ, đây là sắc thuế lâu đời nhất và đồng thời duy nhất hiện diện ở cả 50 tiểu bang. Không chỉ tại các quốc gia phát triển, sắc thuế này cũng có mặt ở cả các quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia hay kể cả Campuchia. Thái Lan đang trong giai đoạn xem xét để ban hành sắc thuế này. Quốc gia có nhiều đặc điểm kinh tế tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc cũng đang có kế hoạch áp dụng vào năm 2019 sau nhiều lần trì hoãn. Việc áp dụng sắc thuế này tại Việt Nam nằm trong xu hướng chung của các nước đang phát triển trong khu vực.

Ưu điểm

Sự hiện diện rộng rãi của loại hình thuế tài sản xuất phát từ những ưu điểm của nó.

Việc áp dụng thuế tài sản bắt buộc phải đi kèm với việc giảm các loại thuế khác, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, để giảm gánh nặng thuế chung của cả nền kinh tế. Giảm chi tiêu ngân sách chứ không phải tăng thu thuế!
 

Thứ nhất, thuế tài sản được coi là thân thiện với sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thị trường, gây ra ít méo mó nhất lên hệ thống tín hiệu thị trường. Nếu như các loại thuế đánh vào thu nhập (thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân) sẽ làm giảm động lực của các thực thể trong nền kinh tế (doanh nghiệp, người lao động) hay các loại thuế đánh vào hàng hóa làm giảm tiêu dùng, thuế tài sản tác động ít hơn đến hành vi của các thực thể trong nền kinh tế. Vì nguồn cung đất gần như cố định, cân bằng cung - cầu thị trường sẽ ít bị ảnh hưởng dưới tác động của thuế. Ngược lại, thuế tài sản có tác động tích cực trong việc ngăn chặn đầu cơ và hình thành bong bóng tài sản, thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai một cách hiệu quả hơn.

Trong một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xuất bản năm 2009(1), kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy thuế tài sản hỗ trợ tăng trưởng tốt nhất, thứ tự tiếp theo là thuế tiêu dùng, thuế thu nhập cá nhân và cuối cùng là thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết luận này có thể càng đúng hơn với nền kinh tế có khu vực không chính thức lớn như Việt Nam, khi các loại thuế đánh vào thu nhập và tiêu dùng sẽ làm dịch chuyển nguồn lực sang khu vực phi chính thức, tăng tính không minh bạch của nền kinh tế.

Thứ hai, thuế tài sản mang tính lũy tiến và công bằng. Giá trị tài sản sở hữu có tương quan chặt chẽ đến mức thu nhập thực tế của người sở hữu ở hai giác độ. Một mặt tài sản có giá trị cao sẽ tạo ra nguồn thu nhập cao từ lợi tức tài sản cho người sở hữu, mặt khác người có thu nhập cao sẽ tích lũy tài sản bằng cách sở hữu các tài sản có giá trị. Do đó, thuế tài sản bản chất không phải là loại thuế lũy thoái như các sắc thuế đánh vào tiêu dùng. Nếu được thiết kế phù hợp nó sẽ mang tính lũy kế cao, đảm bảo tính công bằng khi người có thu nhập cao hơn, tích lũy được nhiều tài sản hơn sẽ chịu thuế nhiều hơn. Thuế đánh vào sở hữu bất động sản và các loại tài sản khác cũng đang được nhiều nhà kinh tế cổ xúy như một giải pháp thu hẹp khoảng cách thu nhập đang ngày càng giãn rộng giữa tầng lớp giàu có với mặt bằng chung của xã hội.

Thứ ba, đứng về phía phương diện quản lý, thuế tài sản có ưu điểm ở tính ổn định của nguồn thu, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chu kỳ kinh tế như các loại thuế đánh vào thu nhập và hàng hóa tiêu thụ. Khả năng trốn thuế được giảm thiểu khi cơ chế xác định giá trị tài sản theo giá thị trường khá minh bạch, dễ áp dụng. Đồng thời trong trường hợp người nộp thuế chây ỳ, không trả thuế, cơ quan quản lý có cơ chế hiệu quả để thực thi việc thu thuế bằng phát mại tài sản.

Cuối cùng, thuế tài sản có thể được sử dụng như một công cụ quản lý thị trường bất động sản hiệu quả, đặc biệt vấn đề sở hữu bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong giai đoạn hiện tại của Việt Nam, khi bong bóng bất động sản đang hình thành và mở rộng, việc triển khai sớm thuế đánh vào bất động sản sẽ là một công cụ giúp giảm hoạt động đầu cơ trên thị trường. Một mức thuế suất phù hợp cũng sẽ giúp giảm tình trạng dự án treo, tạo áp lực lên các chủ đầu tư dự án trong việc phát triển các dự án thay vì đơn thuần chiếm giữ nguồn tài nguyên đất đai của xã hội.

Và những nhược điểm

Thuế tài sản cũng như bất kỳ một loại thuế nào cũng có những nhược điểm không mong muốn. Thậm chí thuế tài sản nằm trong số những sắc thuế bị phản đối nhiều nhất, kể cả ở các quốc gia phát triển. Những nghiên cứu định lượng cho thấy lý do đóng vai trò quan trọng tác động đến phản ứng của người nộp thuế là họ phải đóng một khoản thuế trong một lần mỗi năm thay vì trải đều hàng tháng như với thuế thu nhập cá nhân hay trong mỗi lần mua hàng như thuế tiêu dùng. Việc đóng một lần gây hiệu ứng tâm lý lớn hơn và áp lực tài chính cho người nộp thuế.

Ngoài ra, thuế tài sản không dựa vào dòng tiền thu nhập nên có thể gây khó khăn về khả năng thanh khoản của người nộp thuế, đặc biệt là những người có giá trị tài sản lớn nhưng có dòng tiền từ thu nhập thấp, hoặc giảm đột ngột trong một khoảng thời gian. Việc áp dụng thuế tài sản cũng không tuyệt đối loại bỏ được các trường hợp lách luật để tránh nộp thuế. Ví dụ, ngưỡng tài sản bắt đầu chịu thuế là 700 triệu đồng có thể làm gia tăng việc đầu tư vào các sản phẩm bất động sản có giá trị thấp dưới ngưỡng, như đất nền tại các khu vực vùng ven.

Phải đi kèm với việc giảm các loại thuế khác

Việc ban hành sắc thuế đánh trên tài sản có lẽ chỉ là vấn đề thời điểm ở Việt Nam vì điều này nằm trong xu thế chung của các nước trong khu vực. Những lo ngại và phản ứng liên quan đến việc triển khai thực hiện thuế tài sản thực ra không phải nhắm đến bản chất của loại thuế này mà là gánh nặng thuế, phí chung mà khu vực tư nhân đang phải chịu. Mặc dù là một loại thuế có nhiều ưu điểm, việc thu thêm thuế tài sản nếu không đi đôi với việc giảm nguồn thu từ các loại thuế khác, đồng nghĩa với việc gánh nặng thuế của nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng lên, trong khi vốn đã rất cao. Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), gánh nặng thuế (theo tỷ lệ thu từ thuế/GDP) của Việt Nam ở mức xấp xỉ 18% GDP trong năm 2016, cao nhất và gần gấp rưỡi mức tỷ lệ trung bình của các quốc gia ASEAN.

Cải cách cơ cấu thuế cần hướng tới việc đa dạng hóa nguồn thu và tối thiểu hóa tác động của thu thuế đến sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thay vì tận thu cho chi tiêu ngân sách. Việc áp dụng thuế tài sản bắt buộc phải đi kèm với việc giảm các loại thuế khác, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, để giảm gánh nặng thuế chung của cả nền kinh tế. Giảm chi tiêu ngân sách chứ không phải tăng thu thuế!



DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG