Top

Thủ tướng: Nhà nước được gì khi bán nhà công sản cho Vũ Nhôm?

Cập nhật 09/01/2018 08:31

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần sớm có kho dữ liệu về tài sản công để tránh thất thoát như vụ việc liên quan Phan Văn Anh Vũ.

Yêu cầu thắt chặt trong quản lý, sử dụng tài sản công là một trong những vấn đề cấp thiết được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong Hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính sáng nay (ngày 8/1).

Theo người đứng đầu Chính phủ, công tác quản lý tài sản công hiện còn nhiều vấn đề, gây ra tình trạng thất thoát và lãng phí lớn. Thậm chí một số tài sản công còn để cho các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi.

“Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ 'Nhôm' Đà Nẵng, Nhà nước được cái gì từ việc này?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công. Đồng thời, cơ quan này cũng cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.

Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề mà Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản và các địa phương phải xây dựng cơ chế chính sách, tính toán sát sao để sớm khắc phục.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính sớm xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công. Ảnh: MOF.

Một nghiên cứu giá đất TP Đà Nẵng của Công ty Gạch Vàng mới công bố gần đây cho thấy, mỗi m2 mặt tiền đường Bạch Đằng, Đà Nẵng, nơi đang bị điều tra liên quan đến Vũ “Nhôm”, có giá hơn 190 triệu đồng.

Các địa chỉ nhà đất công sản có liên quan tới đại gia bất động sản này đều có vị trí mặt tiền, được xếp vào nhóm đất từ vàng đến kim cương, nằm ngay trung tâm TP Đà Nẵng, thuộc 2 quận Hải Châu và Thanh Khê. Trong đó, nhiều nhà đất nằm co cụm ở phố Bạch Đằng, cung đường có giá đất đắt đỏ tại đô thị đầu tàu miền Trung, được ghi nhận 190,5 triệu đồng mỗi m2.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, việc bán nhà công sản cho Vũ "Nhôm" từng lộ nhiều sai phạm trong việc mua với giá rẻ và chuyển nhượng giá cao, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hoạt động này làm thất thoát lượng tiền khủng của Nhà nước.

Cũng tại hội nghị tổng kết ngành, người đứng đầu Chính phủ "chê" chính sách thuế vẫn thay đổi quá nhanh và quá nhiều, không quan tâm đến quyền lợi người nộp thuế dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp.

"Có doanh nghiệp lỗi nhiều, có doanh nghiệp lỗi ít. Có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh. Đó là lỗi từ phía cơ quan nhà nước", Thủ tướng nhấn mạnh. Theo ông, chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu cho cơ quan tham mưu chính sách phải xây dựng trên quan điểm lợi ích từ phía người nộp thuế và phải có tầm nhìn dài hạn, tránh việc thay đổi quá nhiều trong thời gian ngắn.

Từ câu chuyện thu ngân sách, hai quan điểm được nhấn mạnh từ người đứng đầu Chính phủ là việc khai thác các "mỏ vàng" trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh tạo ra nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, ví dụ các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng. "Đây là những 'mỏ vàng' để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này", Thủ tướng nêu vấn đề.

Do vậy, quan điểm chủ đạo của Chính phủ là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp. "Thay vì nâng thuế suất, vấn đề cần quan tâm là làm sao mở rộng cơ sở thu thuế", Thủ tướng nói.

Với vấn đề thoái vốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác bán vốn không chỉ là thu hồi vốn, tăng ngân sách quốc gia, mà còn để chống lại tham nhũng tiêu cực dưới sự giám sát của cổ đông.

Do đó, yêu cầu cổ phần hóa, thoái vốn tại các đơn vị phải được thực hiện theo lộ trình chặt chẽ, đảm bảo minh bạch. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán. "Chúng ta phải làm tốt như bán vốn Vinamilk khỏi SCIC và bán vốn Sabeco vừa qua", Thủ tướng đánh giá.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị ngành tài chính công khai kế hoạch bán vốn mà cần xây dựng phương án sử dụng vốn này hiệu quả nhất. "Việc sử dụng vốn bao giờ cũng có ý kiến của tập thể công khai thậm chí trình cả ý kiến Bộ Chính trị", Thủ tướng cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress