Top

Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM xây 2 cầu vượt giảm ùn tắc giao thông

Cập nhật 22/11/2016 14:43

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Ảnh minh họa

Xây 2 cầu vượt theo cơ chế đặc thù

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND TP triển khai thực hiện 2 dự án gồm xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn và nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm theo lệnh khẩn cấp, cấp bách (theo quy định tại Khoản 2, Điều 43, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18.6.2015 của Chính phủ).

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm; đồng thời chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí, tiêu cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông (cả trong quá trình thi công và khai thác) và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình, đúng các quy định hiện hành.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Lý do là thời gian vừa qua tình hình giao thông trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, lưu lượng giao thông tăng cao, nhất là tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Với thiết kế duy nhất một lối ra vào trên đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) phục vụ cho toàn hoạt động của sân bay, trong khi đó lượng khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Đáng chú ý, theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất hàng năm là 25 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho thấy số lượt hành khách đã vượt qua 25 triệu lượt trong năm 2015 và dự báo sẽ đạt 30 triệu lượt hành khách/năm từ năm 2016.

Với thực trạng trên, hạ tầng cơ sở của sân bay Tân Sơn Nhất và hạ tầng giao thông khu vực xung quanh sân bay không thể đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng đến khả năng khai thác sân bay, an toàn giao thông khu vực xung quanh sân bay, tạo ấn tượng không đẹp với người dân trong nước và khách quốc tế.

Lấy 21ha đất quốc phòng mở rộng sân bay

Tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào tháng 8 vừa rồi, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng thông tin, sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc cả trên trời, nhà ga và cả phía ngoài đường. Nguyên nhân dẫn đến tắc trên trời trước hết là do tắc ở dưới mặt đất. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80 vị trí.

Hiến kế để giảm tình trạng ùn tắc, nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc bàn giao 21ha đất Quốc phòng để mở rộng thêm 50 vị trí sân đỗ và đường lăn. Cùng với đó là nghiên cứu phương án làm một nhà ga lưỡng dụng và mở thêm đường ra hướng Cộng Hòa để giảm tải cho đường Trường Sơn.

Về việc này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng việc sử dụng khu đất quốc phòng phía Tây cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (khoảng 21ha) để đầu tư nâng cao năng lực khai thác sân đỗ tàu bay, đường lăn và nhà ga, nâng công suất hệ thống nhà ga hành khách đạt khoảng 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định phương án mở đường thêm rất hợp lý. Quan điểm của Bộ Quốc phòng rất ủng hộ, tuy nhiên Phó thủ tướng cần chỉ đạo cơ chế hài hòa giữa các bên. Bộ Quốc phòng sẽ tính toán mức độ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới