Top

Thị trường nhà đất sẽ chững lại?

Cập nhật 04/08/2016 14:28

Việc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố 77 dự án bất động sản (BĐS) thế chấp ngân hàng là bước đầu thực hiện mục tiêu minh bạch hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Nhưng công bố thông tin cũng là việc làm cần sự chuyên nghiệp, nếu không, rất dễ làm thị trường BĐS bị "tổn thương".


Ngay sau khi danh tính 77 dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng được công bố, không ít nhà phát triển BĐS ngỡ ngàng vì tên mình bỗng dưng nằm trong danh sách này.

Chẳng hạn như trường hợp của Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land). Theo văn bản ngày 4/7, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Chi nhánh Đồng Nai) gửi đến Công ty CP Him Lam và Him Lam Land thì 570 căn hộ lô 3 của Him Lam Riverside (quận 7) đã được giải chấp.

Eximbank cũng đã giải chấp nhiều căn hộ thuộc các block khác của dự án lẫn các tài sản khác đã từng thế chấp tại ngân hàng thời gian qua. Do đó, khi các phương tiện thông tin đăng tải bảng danh sách 77 dự án đang thế chấp (trong đó có Him Lam Land), lãnh đạo doanh nghiệp (DN) này đã khá bất ngờ, vì việc cầm cố này đã chấm dứt từ lâu giữa Công ty và ngân hàng. Ngay sau đó, Him Lam Land đã công khai các văn bản liên quan đến việc thế chấp với phía ngân hàng để "minh oan".

Được biết, trong ngày 25/7, tức ngày danh tính 77 dự án BĐS được công bố, hàng trăm khách hàng đã mua căn hộ từ các DN bị "bêu tên" trong danh sách các dự án thế chấp ngân hàng đã "đứng ngồi không yên" và liên tiếp điện thoại đến chủ đầu tư để hỏi thông tin.

Bởi, việc chung cư Harmona hay Minh Thành (quận 7) tuy đã bàn giao căn hộ nhiều năm nhưng cư dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà vì chủ đầu tư còn thế chấp cho nhà băng vẫn "ám ảnh" người mua. Thậm chí, nhiều cư dân chung cư Minh Thành không thể làm hộ khẩu nhập học cho con ở quận 7 suốt 4 - 5 năm qua cũng bởi không có giấy chứng nhận sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Khi được hỏi tiêu chí để Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra danh sách các dự án thế chấp ngân hàng, ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cho rằng, các dự án này được tính từ thời điểm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đi vào cuộc sống (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) đến ngày 8/6/2016 (những dự án đủ điều kiện huy động vốn của người mua mà Sở Xây dựng phê duyệt).

Sở cũng muốn cung cấp thông tin phải đầy đủ, chi tiết về các dự án này, nhưng chỉ cung cấp được"cái mình có" thông qua hồ sơ đăng ký của DN. Muốn có những thông tin cụ thể hơn, như DN thế chấp tài sản như thế nào, tình trạng của tài sản thế chấp (có bị vướng tranh chấp, kiện tụng không), mục đích vay để làm gì, tiến độ giải chấp (đối với dự án hình thành trong tương lai) ra sao... thì phải có sự phối hợp của Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Nhà nước nhằm yêu cầu các ngân hàng thương mại phối hợp cung cấp thông tin.

Cũng theo Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, do đây là lần đầu tiên triển khai việc công bố thông tin nên vẫn còn nhiều hạn chế và "vừa làm, vừa rút kinh nghiệm". Thời gian tới, tổ công tác thực hiện việc này (Sở Xây dựng chủ trì) sẽ rà soát tất cả các dự án nhà ở đang triển khai trên địa bàn Thành phố và đề xuất với UBND TP.HCM công bố thông tin định kỳ về các dự án, dự kiến 2 - 3 tháng/lần.

Việc minh bạch hóa thông tin như vậy là điều cần thiết để củng cố niềm tin cho khách hàng và loại bỏ những DN không đủ tiềm lực (cùng một sản phẩm mà mang đi thế chấp nhiều lần) gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tuy nhiên, thông tin công bố phải rõ ràng, tránh tình trạng vội vã, dễ gây tâm lý hoang mang đối với người mua, tác động đến hoạt động của những DN làm ăn uy tín.

Chia sẻ về việc DN BĐS thế chấp dự án cho ngân hàng, ông Luk Ban La - Phó tổng giám đốc Phúc Khang Corporation cho đây là điều rất bình thường. Phương thức kinh doanh này không chỉ có DN trong nước mà DN ngoại cũng áp dụng.

Hoạt động của các DN BĐS chủ yếu dựa vào 3 nguồn vốn: vốn tự có, vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, việc công bố thông tin phần nào gây tâm lý hoang mang cho một số khách hàng, đặc biệt là những người chưa am hiểu về phương thức kinh doanh. Nhưng sau khi truyền thông phân tích rõ hơn về bản chất sự việc, chắc chắn tâm lý của người mua sẽ ổn định hơn.

Cũng theo đại diện Phúc Khang Corporation, việc công bố thông tin các dự án BĐS thế chấp ngân hàng sẽ giúp khách hàng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn dự án, sản phẩm để mua và các chủ đầu tư phải từng bước chuẩn hóa, chuẩn bị kỹ lưỡng về thủ tục pháp lý của dự án mới giới thiệu ra thị trường.

Với những thông tin liên tiếp trong thời gian qua, như việc có khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng, tạm ngưng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, liên quan đến tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư (do chủ đầu tư thế chấp dự án cho ngân hàng, huy động vốn từ khách hàng nhưng lại không tiến hành giải chấp tài sản), cộng với nguồn cung căn hộ cao cấp tung ra thị trường từ đầu năm đến nay khá lớn nên có tác động đến lực cầu, do vậy, theo dự báo của các chuyên gia BĐS tại TP.HCM, thị trường trong những tháng cuối năm sẽ diễn biến theo đường ngang, khó có đột phá.

Năm 2017, thị trường BĐS phát triển như thế nào còn tùy thuộc vào các thông tin liên quan đến quy định, chính sách, điều kiện kinh tế vĩ mô. Đó cũng là lý do mà các nhà phát triển BĐS không dám mạnh tay triển khai hàng loạt dự án nhà ở như năm 2015.


DiaOcOnline.vn - Theo DNSG