Top

Thị trường BĐS: Còn khó do xung đột dai dẳng

Cập nhật 07/10/2013 10:04

Niềm tin của người mua nhà tiềm năng bị xói mòn nghiêm trọng bởi đầy rẫy những tranh chấp và kiện cáo với chủ đầu tư.

Làm tốt cũng dính tranh chấp



Xung đột dai dẳng giữa người mua nhà và chủ đầu tư của dự án Hyundai Hillstate chưa biết khi nào mới có hồi kết.
Mặc dù sự đổ vỡ của thị trường bất động sản khiến nhiều dự án xung quang nằm án binh bất động suốt mấy năm nay, tiến độ xây dựng dự án Hyundai Hillstate (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn không hề bị ảnh hưởng. Nhưng, đằng sau vẻ hào nhoáng của một khu căn hộ cao cấp mang phong cách Hàn Quốc đã thành hình và bắt đầu bàn giao nhà từ tháng 9 này là xung đột dai dẳng giữa những người mua nhà và chủ đầu tư mà chưa biết khi nào mới đến hồi kết.

Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi chủ đầu tư - Công ty Hyundai RNC Hà Tây, chuyển hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán từ tháng 7/2011. Do bất đồng về những điều khoản trong hợp đồng cũng như cách tính diện tích căn hộ, sở hữu chung riêng, vẫn còn 42 trong tổng số 71 khách hàng ký hợp đồng góp vốn từ tháng 1/2011 không chịu chuyển sang hợp đồng mua bán.

Mâu thuẫn giữa người mua và chủ đầu tư lại càng thêm gay gắt sau khi Hyundai RNC Hà Tây công bố giảm giá căn hộ 15% cách đây hơn 2 tháng, đồng thời cho phép khách hàng mới chỉ đóng 30% khi nhận nhà, số còn lại đóng tiếp trong vòng 1 năm mà không phải trả lãi suất. Mặc dù những người đã mua trước đây cũng được giảm giá, nhưng họ lại cự nự tại sao họ phải đóng tiếp 70% số tiền còn lại khi nhận nhà vào tháng 9 này, trong khi người mua mới một năm sau mới phải đóng tiền?

Tuy nhiên, chủ đầu tư thì lập luận, khách hàng cũ chưa ai phải đóng tới 70%, và họ có tới 2 năm 9 tháng để thanh toán kể từ khi ký hợp đồng cho đến khi nhận nhà, trong khi khách hàng mới phải thanh toán trong vòng 1 năm. Chủ đầu tư nói rằng, họ đã nhượng bộ rất nhiều, nhưng mỗi khi họ lùi một bước thì khách hàng lại tiến thêm một bước, khiến cho bất đồng không có lối thoát. Thậm chí, nếu khách hàng kiện chủ đầu tư, ông Yun Han Won - Giám đốc hành chính của Hyundai RNC Hà Tây, khẳng định, doanh nghiệp cũng sẵn sàng theo kiện vì họ không làm gì sai.

Hyundai Hillstate là một điển hình về những dự án xây dựng đúng tiến độ nhưng vẫn không tránh khỏi tranh chấp với khách hàng. Một dự án có vốn Hàn Quốc khác là Khu đô thị Splendora (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng sa lầy trong tranh chấp và kiện cáo với khách hàng suốt hơn một năm qua. Khách hàng đã nhiều lần tụ tập, căng băng rôn, biểu ngữ trước văn phòng chủ đầu tư, trước trụ sở công ty mẹ là Vinaconex và Posco E&C, đòi Công ty liên doanh Phát triển đô thị An Khánh phải tính lại giá bán khi chuyển đổi hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, đòi chủ đầu tư tạm dừng triển khai dự án, đòi giao nhà thô… Thậm chí, đã có những cuộc đàm phán kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ giữa khách hàng và chủ đầu tư, nhưng không bên nào chịu nhường bên nào. Cuối cùng, gần 20 khách hàng đã quyết định đưa chủ đầu tư ra tòa. Mặc dù trong 2 lần xét xử mới đây, 4 khách hàng đã thua kiện, nhưng chưa thể chắc chắn các khách hàng khác có chùn tay trong việc tiếp tục khiếu kiện chủ đầu tư hay không.

Tại sao những dự án này triển khai tốt, giao nhà đúng hạn mà vẫn dính kiện cáo? Mặc dù có những điểm chủ đầu tư sai, nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp này là sự lao dốc của thị trường bất động sản. Phần lớn người mua nhà là các nhà đầu tư, họ mua vào thời điểm thị trường sốt nóng, với giá cao, thậm chí phải trả tiền chênh lệch rất cao. Còn bây giờ, giá nhà đất đã giảm 20-30% so với đỉnh điểm, nên nhiều nhà đầu tư gây khó dễ với chủ đầu tư bằng cách tìm ra lỗi và gây sức ép nhằm rút vốn hoặc trì hoãn đóng tiền.

Mất niềm tin vì chủ đầu tư hứa hão

Ở một thái cực khác, nhiều người mua nhà cũng cực chẳng đã phải chăng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư, bởi họ đã nộp rất nhiều tiền mà không biết đến bao giờ mới lấy được nhà. Chuyện các dự án chậm tiến độ hàng năm trời mà chủ đầu tư không chịu đền bù, dự án nằm bất động mấy năm liền, hoặc chủ đầu tư mất tăm tích không còn là chuyện lạ trên thị trường bất động sản thời gian qua. Niềm tin của người mua nhà vào chủ đầu tư đã cạn. Người mua nhà tiềm năng cũng thận trọng hơn khi móc hầu bao đóng tiền cho chủ đầu tư.

Không phải đến khi hãng thông tấn AP đăng bài lớn về việc ông Edward Chi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt, mất tăm tích trong khi dự án căn hộ Tricon Towers (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chỉ là bãi cọc sắt hoen gỉ thì những ung nhọt của thị trường bất động sản mới vỡ. Thực chất, suốt hơn một năm qua, 128 khách hàng đã mua nhà tại dự án này như ngồi trên đống lửa vì họ đã rót cho chủ đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, nhưng cam kết giao nhà giữa năm 2012 theo hợp đồng với chủ đầu tư chỉ là lời hứa hão. Dù đã chăng băng rôn, biểu ngữ tố cáo chủ đầu tư, nhưng đến giờ ông Edward Chi vẫn bặt vô âm tín. Khách hàng cũng không biết tiền của mình đã đổ đi đâu và có cơ hội lấy lại không.

Không chỉ có Tricon Towers, một dự án khác của Minh Việt là Bayview Towers tại Thành phố Hạ Long hiện cũng chỉ là bãi đất trống. Đầu tư dàn trải là một trong những lý do khiến Minh Việt rơi vào thảm cảnh. Đây cũng là căn bệnh chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản như AZ Land, Sông Đà - Thăng Long…khiến họ phải hứng chịu búa rìu chỉ trích của khách hàng suốt những năm qua.

Những khách hàng mua căn hộ dự án Usilk City (quận Hà Đông, Hà Nội) của Sông Đà-Thăng Long cũng đã không ít lần căng băng rôn, biểu ngữ, họp hành căng thẳng với chủ đầu tư, để rồi thất vọng vì dự án chậm tiến độ tới 2 năm so với cam kết. Tệ hơn, niềm tin của hàng trăm khách hàng với Sông Đà - Thăng Long đã không còn khi họ chấp nhận đóng nốt phần tiền còn lại của giá trị hợp đồng để được nhận diện tích sàn thương mại miễn phí. Nhưng cả căn hộ và sàn thương mại cho đến giờ này vẫn chỉ nằm trên giấy. Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sông Đà - Thăng Long thừa nhận, số tiền công ty này thu được đã bị đầu tư dàn trải, khiến công ty không cân đối được dòng tiền, làm khách hàng mất niềm tin.

Cũng thu được tiền của khách hàng nhưng do đầu tư dàn trải nhiều dự án một lúc như AZ Vân Canh, AZ Lâm Viên, Bright City, nên Công ty cổ phần Bất động sản AZ Land cũng không triển khai được dự án nào ra đầu ra đũa. Cũng may là sau một thời gian dài chăng băng rôn, biểu ngữ phản đối để đòi tiền, nhiều khách hàng đã lấy lại được số tiền gốc đã đóng cho AZ Land, mặc dù phải chấp nhận mất tiền chênh. Trong khi đó, còn hàng nghìn người kém may mắn hơn, khi họ rót hàng trăm tỷ đồng vào những dự án "ma" của Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam hay Công ty Dịch vụ 1-5 mà không lấy lại được.

Khi những tranh chấp, kiện cáo còn kéo dài, người mua nhà còn mất niềm tin vào doanh nghiệp bất động sản, họ càng thận trọng khi móc hầu bao cho chủ đầu tư. Khả năng hồi phục của thị trường bất động sản vì thế cũng bị cản trở.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn doanh nghiệp