Top

Thị trường bất động sản TPHCM đã có biểu hiện sụt giảm

Cập nhật 23/06/2018 11:34

Thị trường bất động sản TPHCM trong 5 tháng đầu năm nay đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017, theo một báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) gửi chính quyền TPHCM ngày 22-6.

Phân khúc căn hộ trung cấp đưa ra thị trường 5 tháng đầu năm 2018 giảm mạnh so với cùng ký năm 2017. Ảnh: Lê Anh

Bằng các con số cụ thể, báo cáo của HoREA cho thấy, thị trường bất động sản thành phố trong 5 tháng đầu năm 2018 đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án, giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017.

Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017, trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với 5.164 căn cùng kỳ năm ngoái

Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ cao cấp lại chiếm đến 41,8% thị trường, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,3%); phân khúc căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6% so với 5.136 căn cùng kỳ năm 2017.

Còn tỷ lệ căn hộ trung cấp chiếm 37,7% thị trường, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,1%); phân khúc căn hộ bình dân có 1.881 căn, giảm mạnh đến 69,7% so với 6.206 căn cùng kỳ năm 2017.  Tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm 20,5%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 37,6%).

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản thành phố đạt khoảng 202.000 tỉ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ (cao hơn mức bình quân cả nước).

Để thị trường bất động sản TPHCM phát triển ổn định, HoREA kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng... theo hướng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản minh bạch, thông thoáng, lành mạnh, bình đẳng. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu tiền sử dụng đất vừa đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá thị trường, vừa phù hợp với khả năng tài chính của người dân và không để tiền sử dụng đất là gánh nặng của doanh nghiệp mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.

Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy trình công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng cấp 1 (từ 25 tầng trở lên).

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý các sản phẩm bất động sản mới như condotel, officetel, hometel, shophouse, đảm bảo phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.

HoREA  cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư được tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), cũng như trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần...

Đối với người nước ngoài mua nhà, HoREA kiến nghị sớm triển khai thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho cá nhân người nước ngoài sau khi mua nhà. Ngoài ra, Nhà nước và chính quyền các địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng người nước ngoài đầu tư chui, hoặc mua chui bất động sản tại Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG