Thị trường bất động sản: Nhiều tín hiệu tích cực

Cập nhật 11/04/2010 09:30

Hà Nội sôi động với nhiều thông tin về hạ tầng, giá đất nền tăng “chóng mặt”; dòng vốn như đang tập trung lại, chảy vào kênh bất động sản. Nhà đất TP. HCM vẫn chưa có đột biến dù tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện… Tất cả những dấu hiệu đó cho thấy sự chuyển biến tích cực của thị trường nhà đất và cũng là vấn đề được bàn luận trong tuần qua.


Phân khúc đất nền ở Hà Nội đang tăng giá "chóng mặt". Ảnh: Đ. Long

Nam "trầm", Bắc "nhộn"

Sau Tết, thị trường bất động sản Hà Nội dần tăng giá trở lại. Những khu vực đắc địa hoặc nằm trong vùng có thông tin đổi mới về hạ tầng không ngừng tăng giá. Thêm vào đó, một loạt dự án được chủ đầu tư khởi công ngay đầu năm và một số dự án được nhà đầu tư mở bán như Indochina Plaza, Nam Cường mở bán căn hộ căn hộ CT7 - Lê Văn Lương Residential... đã khiến cho thị trường Hà Nội trở nên sôi động.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay giá đất nền tại các dự án, đặc biệt là các dự án được sự chú ý đang tăng theo cấp số cộng, bởi cứ khoảng vài ngày giá lại được đẩy lên từ 100.000đ/m2, cá biệt có khu tăng từ 1-3 triệu đồng/m2. Đất nền dự án có lượng giao dịch tăng vọt gấp 2 đến 3 lần, từ 30% - 50%. Một số đất nền có mức tăng cao là đất liền kề Xa La từ 32 – 39 triệu/ m2. Dự án Bắc An Khánh giá 2,5 - 3 tỷ đồng một căn tùy diện tích, tăng 1,3 tỷ so với thời điểm trước Tết. Biệt thự Nam An Khánh tăng thêm 3 - 4 triệu/m2... Dự án Thanh Hà Cienco tăng đến 5 triệu đồng trong vòng nửa tháng.

Nguyên nhân đất nền Hà Nội tăng cao ngoài việc “bung hàng” của các nhà đầu tư lớn còn do sự điều tiết của thị trường. Trong các kênh đầu tư sinh lợi hiện nay chỉ có bất động sản là an toàn và hấp dẫn nhất. Và các nhà đầu tư đã tập trung vào bất động sản.

Trong bất động sản, phân khúc đất nền được lựa chọn nhiều một phần do giá nguyên vật liệu tăng cao làm phân khúc căn hộ chững lại, nhà phố không tiếp tục phát triển; độ an toàn kém của các chung cư với hỏa hoạn cũng gây lo ngại cho nhà đầu tư.

Trong khi nhà đất Hà Nội tiếp tục sôi động thì TP. HCM lại ở trạng thái trầm lắng so với sự kỳ vọng của thị trường. Ngoài khu vực quận 2, nơi có hầm Thủ Thiêm, giá đất đã tăng khá nhanh và giao dịch khá sôi động thì tại các khu vực khác đều khá trầm lắng do vấn đề lãi suất vốn.

Tuy hiện nay không sôi động như Hà Nội nhưng với lượng cung dồi dào, thị trường luôn được xem là năng động cùng với sự tác động của thông tin về cơ sở hạ tầng… nhiều khả năng TP. HCM sẽ tiến triển tốt như kỳ vọng.

Đón đầu dòng tiền “nhàn rỗi”

Mặc dù thị trường bất động sản hiện nay có nhiều chuyển biến trái chiều, miền Bắc thì sôi động, giá được đẩy thổi lên cao, miền Nam tuy vẫn trầm lắng so với kỳ vọng nhưng tất cả đều cho thấy dấu hiệu tích cực. Điều này phần lớn do các kênh đầu tư khác đã không giữ được sức hấp dẫn vốn có.

Chứng khoán vẫn tiếp tục “ảm đạm”, sàn vàng đóng cửa thì kinh doanh vàng vốn bấp bênh nay lại càng rủi ro nhiều hơn. Nguồn vốn trong dân không còn nơi đầu tư nên tất cả tập trung về bất động sản. Thời gian qua, dự án nhà đất Hà Nội liên tục nóng sốt, nhà đất ở Bình Dương, Đồng Nai, khu vực lân cận TP. HCM cũng sôi động hẳn nhờ tác động tốt từ các nguồn vốn “trong dân”. Dòng tiền “nhàn rỗi” này thông thường được đầu tư cho chứng khoán hoặc lướt sóng sàn vàng để “đẻ lời” một cách riêng lẻ thì nay những nơi đó đã không còn khả năng tạo lãi. Nhà đầu tư lại tìm kênh khác để tiếp tục tạo lợi nhuận cho nguồn vốn của mình.

Hơn nữa, hiện nay ngân hàng đã mở rộng cửa cho vay bất động sản hơn. Mặc dù lãi suất vẫn còn cao nhưng lại “thả nổi” theo cơ chế thỏa thuận nên không riêng gì cho vay đầu tư bất động sản cao mà vay cho các hoạt động khác như sản xuất kinh doanh, tiêu dùng cũng rộng cửa hơn. Nhà đầu tư lớn với những dự án “tiền tỉ” khó khăn về vốn do lãi suất cao thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân với nguồn tiền tiết kiệm, tiền mặt lại tập trung vốn về nhà đất mà cụ thể là đất nền.

Sự khác biệt giữa hai thị trường Bắc – Nam hiện nay phần nhiều phụ thuộc vào vốn. Miền Bắc nguồn tiền mặt trong dân nhiều hơn không phục thuộc vào ngân hàng nên “sốt” trước. Miền Nam vẫn còn bị khóa mặt lãi suất, dòng tiền mặt có sẵn không nhiều nên vẫn chưa tạo được sôi động nhưng rõ ràng vẫn có tín hiệu khởi sắc. Theo Sacomreal, tính hết quý I, tổng lượng bất động sản Sacomreal giao dịch thành công trên sàn trị giá tới hơn 600 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý IV năm trước. Lượng bất động sản giao dịch thành công tại CEN’s group trong tháng 3 tăng 10% so với hai tháng trước đó và tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2009, chủ yếu ở phân khúc căn hộ chung cư với giá từ 15 đến 19 triệu đồng một m2 và đất ngoại thành.

Thiết nghĩ, đây là thời điểm tốt để bất động sản đón đầu dòng vốn “nhàn rỗi”, tạo niềm tin cho khách hàng và thúc đẩy thị trường. Nếu biết khai thác tốt, nguồn tiền trong dân sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn mà các nhà đầu tư lớn đang gặp phải. Lượng khách hàng này sẽ không bền vững do tính lướt sóng nhưng nếu bất động sản tiếp tục thể hiện thế mạnh của mình so với các kênh đầu tư khác thì dòng tiền sẽ vẫn ở lại nhà đất lâu dài

Tuấn Kiệt - DiaOcOnline.vn