Top

Thị trường bất động sản: Khi "đại gia" lâm nạn

Cập nhật 08/12/2016 14:45

Từng nắm khá nhiều dự án lớn ở Việt Nam nhưng gần đây, vài "đại gia" ngoại đã dần buông một số khoản đầu tư khó hái ra tiền.

Trong ngày "Black Friday" vừa qua, một số trung tâm mua sắm Parkson đã đứng ngoài cuộc chơi. Ảnh: QH

Tan Sri Dato Seri Vincent Tan Chee Yioun (gọi tắt là Vincent Tan) - Chủ tịch Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (nằm trong danh sách 50 người giàu nhất Malaysia năm 2016 của Forbes với tổng tài sản khoảng 900 triệu USD) là một trong những tỷ phú nước ngoài có mặt sớm nhất ở Việt Nam. Vincent kiếm tiền từ bất động sản (BĐS), xổ số kiến thiết, đồ ăn, thức uống...

Đến tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam từ năm 2006, đến 2007, Berjaya của Vincent Tan nhận giấy phép đầu tư và phát triển BĐS ở Việt Nam.

Nhà ở: bị thu hẹp

Thời điểm thị trường BĐS Việt Nam bùng nổ, Berjaya khá nổi bật khi tham gia vào hàng loạt dự án lớn, có thể kể đến như đầu tư xây dựng khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch, Đồng Nai 600ha, khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) 3,5 tỷ USD, Trung tâm Tài chính Việt Nam 900 triệu USD tại TP.HCM...

Nhưng trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài từ giữa năm 2008, Berjaya đã dần thu hẹp mảng BĐS tại thị trường Việt Nam. Năm 2013, trong số 25 dự án bị UBND tỉnh Đồng Nai rút giấy phép do chậm triển khai có cả dự án khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch.

Ở một diễn biến khác, hồi tháng 8/2016, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát dự án khu đô thị VIUT - một trong 10 dự án FDI có quy mô lớn nhất TP.HCM năm 2008 và tìm hướng giải quyết theo phương án hoặc tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Berjaya bằng cách thu hẹp quy mô hoặc chấm dứt, thu hồi giấy phép trong trường hợp nhà đầu tư vẫn không đủ khả năng để triển khai.

Theo thiết kế, bên cạnh 100ha xây dựng trung tâm đào tạo đại học hiện đại khu vực Đông Nam Á, trường học các cấp, dự án còn bao gồm nhiều hạng mục khác như khu thương mại, trung tâm y tế, hành chính, nhà ở...

Tương tự, với dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam tại quận 10 (cấp phép từ năm 2008), các cơ quan quản lý của Thành phố cũng phải xem xét khả năng triển khai của nhà đầu tư.

Được biết, tháng 10 vừa rồi, Tập đoàn Vinci Construction (Pháp) đã đề xuất được cùng Berjaya tiếp tục dự án, trong đó, Vinci sẽ hỗ trợ về thiết kế, tìm kiếm đối tác đầu tư.

Như vậy, bên cạnh những dự án "chưa thành hình" đang có xu hướng thu hẹp, tính đến thời điểm này tại Việt Nam, Tập đoàn Berjaya của Vincent Tan chỉ còn các khoản đầu tư vào khách sạn 5 sao Sheraton Hà Nội, InterContinential Hanoi Westlake, khu nghỉ dưỡng Long Beach Resort (Phú Quốc), khu căn hộ Amber Court (thuộc Biên Hòa City Square, Đồng Nai) và mảng xổ số điện toán.

Bán lẻ: tự đóng cửa

Một tên tuổi nổi bật trong giới bán lẻ châu Á, vốn có mặt rất sớm ở Việt Nam là Parkson (Malaysia) vài năm trở lại đây cũng đã thu hẹp quy mô. Sau khi đóng cửa trung tâm mua sắm ở quận 7, TP.HCM hồi tháng 5 vừa rồi, mới đây, khi các trung tâm thương mại hiện đại tất bật chuẩn bị cho ngày hội mua sắm "Black Friday" thì Trung tâm Mua sắm Parkson Việt Tower (Hà Nội) lại thông báo thay đổi địa điểm từ ngày 15/12 sau 8 năm hoạt động nhưng không cho biết địa điểm kinh doanh mới.

Trước đó, năm 2015, Parkson Landmark tại tòa nhà Keangnam - Hà Nội cũng thông báo đóng cửa (hoạt động từ năm 2011) do kinh doanh không như mong đợi.

Chẳng phải đợi đến thời điểm này, liên tục trong các báo cáo thường niên từ năm 2013 - 2015 của Parkson Retail Asia Ltd (đơn vị điều hành bán lẻ tại khu vực ASEAN, trực thuộc Tập đoàn Lion, Malaysia) đã đưa ra nhận định rằng, thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt, khiến kinh doanh không tăng trưởng như mong muốn, một phần do sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới trên thị trường và phần do sức mua suy giảm.

Vậy, hoạt động của Parkson tại Việt Nam đã bị tác động ra sao?

Tại Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, Parkson khai thác trung tâm thương mại đầu tiên tại tòa nhà Saigon Tourist Plaza. Chiến lược được lãnh đạo Parkson nhắc đi nhắc lại đối với thị trường Việt Nam là mỗi năm mở thêm từ 1 - 2 trung tâm.

Tính đến năm 2015, Parkson có 9 trung tâm ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng với tổng diện tích sàn thương mại đạt 102.000m2 (kể cả diện tích thuê lẫn sở hữu). Trong đó, diện tích mặt bằng do Parkson sở hữu chiếm 18.000m2, phần còn lại là mặt bằng thuê. Nhưng so với năm 2012, diện tích sàn thương mại của nhà bán lẻ Malaysia này đã giảm 22.665m2 (từ 124.665m2 xuống 102.000m2).

Có phải sự sụt giảm này do sức mua suy giảm? Việt Nam được các nhà bán lẻ, công ty khai thác BĐS bán lẻ đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng, với dân số hơn 90 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, thu nhập ngày càng tăng nên vấn đề sức mua suy giảm (nếu có) cũng chỉ mang tính tạm thời với một nhà đầu tư lớn, có chiến lược lâu dài. Bởi thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn liên tục mở rộng và hứa hẹn sẽ tiếp tục "rót tiền" vào Việt Nam, như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Takashimaya (Nhật Bản), Mapletree (Singapore).

Việc Parkson đóng cửa một số trung tâm, đặc biệt kể từ khi đóng cửa trung tâm ở quận 7, báo cáo của một số công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường BĐS cho thấy, mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp (theo hình thức thanh toán ngoài quầy chung) tiếp tục mất dần sức hút, muốn tạo được lợi thế cạnh tranh, chí ít phải tổ chức lại theo hướng đa dạng mặt hàng, phân khu hợp lý, có nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng, vị thế lý tưởng (thường nằm trong khu trung tâm thương mại lớn, có khu ẩm thực, siêu thị...) mới có khả năng cạnh tranh thắng lợi.
DiaOcOnline.vn - Theo DNSG