Top

Thêm nhiều quy định cho người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở

Cập nhật 20/08/2015 08:47

Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Đặc biệt là những quy định như cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước; cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà của các dự án nhà ở thương mại.

Thêm đối tượng, thêm thị trường

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HH BĐS Tp.HCM, thì để những quy định này đạt được kết quả, còn phụ thuộc vào việc ban hành các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở. Theo đó, ông Châu cũng cho biết ngày 11/8 vừa qua, Hiệp hội cũng đã gửi văn bản góp ý bổ sung cho quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở như người trong nước.

Trong báo cáo số liệu của văn phòng Ủy ban người Việt ở nước ngoài (NVONN) mới đây cho thấy, cộng đồng người VN ở nước ngoài hiện nay có khoảng 4,5 triệu người tại 103 nước và vùng lãnh thổ và “Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 26/3/2004), đến nay cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng không chỉ trong hoạt động chính trị đối ngoại, mà còn là nhân tố tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Vai trò của kiều bào ngày càng được khẳng định”, ông Trần Hòa Phương – Phó Chủ tịch Ủy ban người Việt ở Nước ngoài, tại TP.HCM khẳng định.

Cũng theo đánh giá của World Bank, VN đã vươn lên vị trí thứ 10 trong số các quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới. Còn trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN thì lượng kiều hối vào VN hiện nay đã đạt con số trên 11 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 6,5% GDP của cả nước. Điều đó cho thấy kiều hối đã đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần vào phát triển kinh tế của VN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cũng nhận định: “Nền kinh tế của VN đã và đang có một lượng lớn kiều hối được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào thị trường tài chính, bất động sản và các hoạt động xã hội… nên khi người Việt ở nước ngoài được mua nhà và sở hữu nhà, cũng sẽ mở rộng thêm kênh thanh khoản cho thị trường BĐS trong thời gian tới".

Luật cần hoàn chỉnh và mang tính thức tế.

Thực tế, hiện nay do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài không còn giữ được những chứng thư hộ tịch của bản thân như khai sinh, hộ chiếu cũ, tờ khai gia đình, sổ hộ khẩu, căn cước, chứng minh nhân dân... nhiều trường hợp cơ quan Nhà nước hiện nay cũng không còn lưu giữ hồ sơ hộ tịch gốc của họ.

Do đó, đại diện HH BĐS Tp.HCM - ông Lê hoàng Châu đề nghị: "Trong trường hợp xác định nguồn gốc người Việt của người Việt Nam người VN ở nước ngoài, khi không có khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc người Việt, thì đề nghị sử dụng thông tin trên giấy căn cước (ID), hộ chiếu (passport) của nước sở tại cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài có ghi rõ nơi sinh là Việt Nam thì nên coi đây là cơ sở pháp lý theo công pháp quốc tế để xác định nguồn gốc người Việt”.

Nhằm rút ngắn hơn về thời gian và giảm chi phí, nên bổ sung cho Ủy ban về người VN ở nước ngoài của Tp Hà Nội và Tp.HCM cũng được quyền cấp giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt. Đồng thời có giá trị vĩnh viễn, thay vì 05 năm như hiện nay.

Tại khoản (4.b) điều 7 quy định: Trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận tặng cho chỉ được sở hữu nhà trong thời hạn còn lại... Hiệp hội đề nghị sửa đổi để cho phép bên mua, bên nhận tặng cho cũng được sở hữu nhà trong thời hạn tối đa 50 năm như khi mua nhà lần đầu, vì điều đó sẽ tương đồng với trường hợp người Việt mua lại nhà ở của người nước ngoài thì lại được đổi sổ đỏ, được công nhận sở hữu ổn định lâu dài theo khoản (4.a) cũng thuộc điều 7 của dự thảo Nghị định.

Thị trường BĐS có nhiều sẽ hứa hẹn vào một chu kỳ tăng trưởng mạnh khi hàng loạt các vướng mắc được tháo gỡ.

Các nội dung khác như: (1) Chính phủ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an công bố danh mục các khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh mà người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở; (2) Bổ sung quy định về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu để thuận lợi cho các địa phương, nhất là các đô thị tập trung đông người nước ngoài như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... và những phường đang có đông người nước ngoài cư trú như phường Bến Nghé, phường Bến Thành, quận 1, phường Tân Phong, quận 7 (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng và nhiều dự án khác), phường Thảo Điền, quận 2, Tp Hồ Chí Minh…

Ngoài ra, điều 77 dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định khi được gia hạn quyền sở hữu nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải chịu thêm chi phí nào khác ngoài lệ phí hành chính.

Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định quy định điều kiện, thủ tục để tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển khoản tiền từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà ở, hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở; và thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài sau khi bán nhà.

Để tạo điều kiện cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Hiệp hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam được cấp visa với thời hạn dài, có thể khoảng từ 01 - 03 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Rõ ràng, khi VN đang phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chính là điều kiện để đông đảo kiều bào hướng về đất nước. Trong đó cũng có rất nhiều những doanh nghiệp, doanh nhân và trí thức kiều bào mong muốn tìm cơ hội về làm ăn tại VN. Vì thế, “Việc hoàn thiện các chính sách cho người Việt ở nước ngoài được sở hữu nhà tại VN, không chỉ tạo cơ hội thuận lợi cho kiều bào về nước làm ăn. Mà còn góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế Quốc gia nói chung và thị trường BĐS nói riêng”, ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công lý