Thâu tóm đất vàng, cao ốc đua chen

Cập nhật 22/12/2016 08:54

Ngày 20/12, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội để đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đồng thời cho rằng, việc thiếu nguồn vốn khiến Hà Nội nhìn thấy “thảm họa” mà không có cách nào xử lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc để Thủ đô rơi vào tình trạng quá tải về giao thông và đô thị còn có phần lỗi ở công tác quản lý đô thị và quy hoạch.

Tắc nghẽn giao thông trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Phá quy hoạch, nhồi cao ốc, có tiền cũng không xử lý được quá tải

Phân tích những nguyên nhân khiến giao thông và đô thị Hà Nội rơi vào tình trạng hỗn loạn những năm gần đây, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, xảy ra tình trạng trên lỗi không hoàn toàn nằm ở việc thiếu vốn, mà có phần nguyên nhân do năng lực quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, giám sát việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm yếu kém.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguồn vốn luôn là điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển hạ tầng tại các địa phương. Tuy nhiên, đối với Hà Nội hiện nay thì việc thiếu, hoặc chưa đủ nguồn vốn không phải là nguyên nhân chính dẫn đến “thảm hoạ” giao thông và đô thị như lãnh đạo Hà Nội vừa nêu ra tại cuộc họp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nhìn lại quãng thời gian 10 năm phát triển gần đây, chưa có quy hoạch nào về giao thông và đô thị được tôn trọng, được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ. Đơn cử như Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, nhìn lại quy hoạch sẽ thấy rõ số lượng nhà cao tầng đã xây vượt quy hoạch rất nhiều, có nhà chung cư còn xây trên đất quy hoạch cây xanh - bãi đỗ xe.

Việc dễ dàng điều chỉnh quy hoạch, trong khi hệ thống hạ tầng không đủ đáp ứng đã đẩy Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính ở trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn. Ở kế bên, phố Vũ Trọng Phụng dài hơn 1km, rộng chưa đủ 2 làn xe tránh nhau nhưng cũng có trên 20 dự án nhà cao tầng sừng sững mọc lên thì làm sao tránh được ùn tắc? Hay như Khu đô thị Linh Đàm, nhiều nhà chung cư xây sai phép 2- 3 tầng, cá biệt có những toà nhà xây vượt 10 tầng để nâng thêm 500 căn hộ là ví dụ rõ nét nhất cho tình trạng buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. “Nếu công tác giám sát, quản lý được thực hiện nghiêm ngặt thì không bao giờ xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, đẩy các khu đô thị vào cảnh hỗn loạn như hiện nay…”, ông Liêm nói.

Đến năm 2015, UBND thành phố Hà Nội vẫn duyệt quy hoạch mới áp dụng với các quận nội đô, trong đó cho phép xây dựng một số công trình cao 45 - 50 tầng làm “điểm nhấn” thì chẳng khác nào tự tăng thêm áp lực giao thông và đô thị ở khu vực nội đô.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm
 

Theo phân tích của ông Liêm, những “tử huyệt” về giao thông và đô thị đã lộ rõ từ rất lâu, thậm chí được nhiều chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, đến năm 2015, UBND thành phố Hà Nội vẫn duyệt quy hoạch mới áp dụng với các quận nội đô, trong đó cho phép xây dựng một số công trình cao 45 - 50 tầng làm “điểm nhấn” thì chẳng khác nào tự tăng thêm áp lực giao thông và đô thị ở khu vực nội đô. “Từ lâu khu vực Nguyễn Trãi, Giảng Võ vẫn được xem là các điểm “đen” về giao thông, khi có mật độ dân cư đông, lại có nhiều dự án giao thông lớn đi qua như tuyến bus nhanh BRT, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Để tránh tình trạng quá tải, Hà Nội đã lên phương án điều chuyển các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành. Tuy nhiên, ngay sau đó chính thành phố lại cho phép hàng loạt đại gia xây tổ hợp đô thị trên các khu đất “vàng” vừa được thu hồi ở khu vực Giảng Võ, Thanh Xuân, trong khi không có dự án hạ tầng giao thông nào được triển khai mới thì thử hỏi hạ tầng nào chịu nổi? Khi đã cho phép “nhồi” cao ốc vào nội đô, nếu có nguồn kinh phí Hà Nội cũng không thể xử lý được tình trạng quá tải hiện nay….”, ông Liêm phát biểu.

Việc nhiều dự án giao thông trọng điểm liên tục chậm tiến độ đã dẫn đến giao thông luôn quá tải, còn dự án đội vốn lên đến con số nghìn tỷ. Theo ông Liêm, việc nhiều dự án giao thông trọng điểm nhiều lần “vỡ” tiến độ đã lộ ra những lỗ hổng lớn về năng lực giám sát, quản lý của các ban quản lý dự án. Dự án xe bus BRT, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm đều là những loại hình giao thông hiện đại mới lần đầu triển khai tại Việt Nam. Lẽ ra, nếu cảm thấy các đơn vị trong nước không đủ trình độ quản lý và giám sát, Hà Nội cần thuê một đơn vị quốc tế có năng lực giám sát vào làm thay. Khi thuê đương nhiên sẽ tốn tiền, nhưng bù lại có thể rút ngắn được thời gian thi công, vốn dự án không bị đội thì tại sao ta không thuê mà phải cố ôm đồm để rồi kéo dài gần 10 năm chưa hoàn thành?
 

Chung cư, cao ốc trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vỡ trận giao thông do bỏ quản lý chiều cao công trình

Đánh giá về tình trạng giao thông và đô thị Hà Nội luôn ở trong tình trạng quá tải, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng, việc dễ dãi điều chỉnh các bản quy hoạch mà không dựa trên nghiên cứu, đánh giá khoa học, không dựa trên sức chịu tải của hạ tầng là nguyên nhân dẫn đến việc “vỡ trận” giao thông hiện nay. “Trước tốc độ đô thị hoá phát triển nhanh, từ những năm 2000, thành phố Hà Nội đã nhìn ra nguy cơ quá tải về giao thông và đô thị nên đã lập ra nhiều quy hoạch, trong đó có việc quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe tĩnh giai đoạn 2003 - 2020. Tuy nhiên, khi nhìn lại thì nhiều điểm được quy hoạch phục vụ cho mục đích giao thông lại được điều chỉnh thành chung cư, trung tâm thương mại. Đối với các dự án khu đô thị, quy hoạch ban đầu cũng không được tuân thủ đầy đủ khi hầu hết chủ đầu tư đều xây sai phép, xây quá tầng dẫn đến hạ tầng bị quá tải nhiều lần so với sức chịu tải”, ông Võ nói.

Vừa qua, Hà Nội đã công bố quy chế mới về quản lý chiều cao đối với các công trình xây dựng khu vực nội đô lịch sử, trong đó có nhiều dự án cao tầng được phép triển khai ở những khu vực đông dân cư, khu vực luôn trong tình trạng quá tải về giao thông. Khi cho phép tăng chiều cao các công trình, hoặc cho xây dựng các tổ hợp cao tầng, các đơn vị chức năng mà cụ thể ở đây là thành phố Hà Nội cần nghiên cứu kỹ hạ tầng hiện có đủ sức chịu tải ở mức độ nào, nếu quy hoạch không dựa trên những nghiên cứu kỹ về sức chịu tải của hạ tầng, sẽ rất khó khắc phục hậu quả về sau.

Điểm đỗ xe mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu

Mới đây, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội đã đưa ra thống kê: Trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 600 nghìn ô tô, 6 triệu xe máy. Mỗi ngày có thêm 500 ô tô đăng ký mới. Dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 1 triệu xe ô tô. Hiện nay, điểm đỗ xe được cấp phép mới chỉ đáp ứng được gần 10% nhu cầu đỗ xe ô tô ở Hà Nội. Thời gian qua, Sở GTVT đã khảo sát nhiều tuyến phố, trong đó có tuyến phố Xã Đàn để cấp giấy sử dụng tạm thời đường phố để trông giữ ô tô. Tuy nhiên, hơn 6 tháng trôi qua, giấy phép vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi việc trông giữ xe trái phép, dừng đỗ sai quy định vẫn diễn ra bất kể ngày đêm trên tuyến phố này.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong