Thanh Đa treo hơn 25 năm chua xót không kém Thủ Thiêm

Cập nhật 12/07/2018 16:50

Trong phiên thảo luận về quản lý tài nguyên đất chiều nay, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM cho biết thành phố còn nhiều dự án treo mà dân ở đó cũng điêu đứng không kém Thủ Thiêm.

Chiều 11/7, kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM khoá IX tiếp tục phiên thảo luận. Thường trực HĐND TP.HCM đã báo cáo kết quả giám sát về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn, trọng tâm là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Đã quá sức chịu đựng của người dân

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao báo cáo đã nêu, tuy nhiên ông Khuê cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề giám sát chưa tốt. Ví dụ như Công ty Thăng Long quận Tân Bình vi phạm rất nhiều, vấn đề này Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo rất quyết liệt. Ông Khuê nói cần loại trừ những dự án không tốt để cử tri an tâm.


Dân cư ở dự án treo Thanh Đa đã quá sức chịu đựng với điều kiện sống hiện tại. Ảnh: Lê Quân.

Theo đại biểu Khuê, tài nguyên đất của thành phố không thiếu nhưng có những lúc buông lỏng, có những dự án nhằm vào dân cư đang ổn định, gây ra sự lãng phí nên chúng ta cần chấn chỉnh.

Ông Khuê nói thêm có nhiều mặt bằng kho bãi, nhà xưởng hiện nay sử dụng chưa đúng mục đích, cần giám sát kỹ vấn đề này để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, phải kiên quyết xử lý những dự án treo. Cử tri quận Bình Thạnh phản ánh sớm xem xét tình trạng treo hơn 25 năm ở bán đảo Thanh Đa.

Thanh Đa không xa quận 1, dân cư đông nhưng điều kiện sống không đạt yêu cầu, nhà cửa, giao thông  đều xuống cấp, tình trạng ngập lụt dễ phát sinh các mầm bệnh,… Dự án treo từ thời điểm đó đến nay quá sức chịu đựng của người dân.

“Tôi thấy khu này dân kêu không thua kém gì Thủ Thiêm. Tôi có gặp một  thanh niên 25 năm tuổi đã có gia đình. Anh kể khu dân cư này từ khi anh sinh ra đến nay vẫn như vậy, điều kiện sinh hoạt còn tệ hơn các khu tạm cư,” đại biểu Khuê nhấn mạnh.

Đại biểu kiến nghị rà soát lại quy trình thực hiện, công khai về các đồ án quy hoạch để người dân tham gia dự án, vì họ là những người thụ hưởng, bên cạnh đó cần phải lắng nghe ý kiến của người dân.

Long đong siêu dự án

Bình Quới – Thanh Đa là dự án có quy mô lớn được phê duyệt quy hoạch năm 1992, với tổng diện tích rộng hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh), dân số khoảng 45.000 người. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, số phận dự án vẫn chưa được quyết định.


Những căn nhà lụp xụp nằm giữa bãi đất trống ngay trung tâm bán đảo Thanh Đa. Cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn vì nhà cửa không được sửa chữa, hạ tầng thiếu. Ảnh: Lê Quân.

Cụ thể, từ năm 1992, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án, với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.

Cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Nhưng Emaar Properties PJSC đã rút lui, vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch.

Hiện chỉ còn lại tập đoàn Bitexco "ôm" dự án này, và thành phố có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng.

Mới đây, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết thành phố vừa giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, đề xuất tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa.

Cũng theo thông báo, để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân và gửi Sở KH-ĐT tổng hợp, trình UBND TP.HCM ngay trong tháng này.

Giải quyết dứt điểm

Phát biểu cuối phiên thảo luận, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố rất chia sẻ bức xúc của người dân ở đây. Chính ông đã nắm vấn đề này từ khi còn làm đại biểu HĐND khu vực này.


Sát siêu dự án long đong nay, phía bên kia sông Sài Gòn là những tòa nhà chọc trời, những khu biệt thự sang trọng. Ảnh: Lê Quân.

Thành phố hiểu rõ sự chịu đựng của người dân ở đây trong thời gian qua, nhưng với những đổ vỡ trong liên doanh chủ đầu tư dự án khiến việc thực hiện các thủ tục kéo dài, và dự án treo hàng chục năm qua. Lãnh đạo thành phố cũng đã gặp gỡ chủ đầu tư, để xem xét có thể triển khai tiếp hay không. Nếu khó khăn khi nhà đầu tư nước ngoài rút đi thì thành phố phải báo cáo lại Chính phủ, xem hướng xử lý tiếp theo ra sao.

Nếu nhà đầu tư triển khai được cũng phải thẩm định năng lực, để đảm bảo việc triển khai thành công. Ông Phong cũng thông tin Văn phòng UBND TP.HCM cũng vừa có báo cáo với Thành ủy về việc tìm kiếm nhà đàu tư mới, để thực hiện dự án.

“Tôi cũng nhắc nhở các sở liên quan quan cần đặt mình trong tình cảnh của người dân ở đây, thì mới hiểu được nỗi khổ của họ để giải quyết vấn đề này nhanh hơn. Việc tìm được nhà đầu tư hay không cũng phải giải quyết dứt điểm, không thể để tình trạng này kéo dài”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing