Top

Tái khởi động dự án “đắp chiếu”: Cần nhất là thông tin và niềm tin

Cập nhật 15/10/2013 14:46

Trái với làn sóng hoang mang có chiều hướng lan rộng khi bầu Đức tuyên bố “buông” thị trường BĐS trong nước, Tổng giám đốc Cty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) Phạm Văn Hùng cho rằng, đối với các DN BĐS, giai đoạn này chính là một cơ hội để các chủ đầu tư nỗ lực giải quyết các vấn đề để tái khởi động dự án, lấy lại niềm tin từ khách hàng và tạo tín hiệu tốt cho thị trường. PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hùng về các cơ hội và xu hướng mà các chủ đầu tư đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

ông Phạm Văn Hùng
* Ông nghĩ sao về nhận xét mới đây của Phó giám đốc Cty Đất Lành Nguyễn Văn Đực rằng gói cứu trợ 30 nghìn tỷ đồng đã thất bại hoàn toàn?

 30 nghìn tỷ đồng không phải một con số nhỏ để có thể rót ồ ạt vào nền kinh tế vốn đã đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Hơn nữa, đối tượng giải ngân chủ yếu cũng không phải DN, mà là người tiêu dùng, những người sẽ phải thăm dò thận trọng trước khi đưa ra một quyết định lớn như vay vốn mua nhà. Do đó, phải xác định không thể đòi hỏi gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đem lại tác dụng ngay, luôn và rõ ràng. Khó khăn của thị trường BĐS không phải mới trong ngày một ngày hai. Đánh giá gói giải cứu này thất bại chỉ sau 3 tháng, tôi cho là có phần nóng vội. Tuy nhiên, ở vị trí người trong cuộc, tôi hiểu rằng sự nôn nóng này cũng là vì mong muốn một lộ trình cụ thể và những tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế hơn từ phía các cơ quan chính sách cũng như các ngân hàng thương mại để người dân và DN có thêm cơ hội sớm tiếp cận nguồn vốn, giải quyết khó khăn.

* Thế còn ý kiến cho rằng, với thực trạng thị trường BĐS hiện nay, 30 nghìn tỷ đồng này chỉ như muối bỏ bể?

- Thực lòng mà nói, cái cần nhất và thiếu nhất để đứng được trên thị trường vốn dĩ không phải là tiền, mà là 2 thứ: Thông tin và niềm tin. Có thông tin nhanh chóng, chính xác, tương tác qua lại kịp thời thì các bên đều giữ được niềm tin và lợi ích, còn ngược lại, ai cũng là người chịu thiệt.

Nếu sớm có thống kê, dự báo của cơ quan chức năng về hiện trạng nhu cầu và nguồn cung, cũng như những can thiệp kịp thời để không xảy ra tình trạng ảo tưởng thị trường nhà đất mãi là con gà đẻ trứng vàng, người người xây mới, nhà nhà đầu cơ, thì liệu bong bóng BĐS có lớn như hiện nay không? Nhà nước có phải lo “giải cứu” vất vả như hiện nay không?. Hay giữa DN với khách hàng, nếu giải toả được nghi kị, cùng tính đến lợi ích của nhau, thì liệu tình trạng dự án đắp chiếu, chủ đầu tư bất lực, khách hàng mất tiền oan có phổ biến như hiện nay không? Có thể lấy ví dụ ngay dự án gần đây mà PVL tham gia với tư cách đồng chủ đầu tư, dự án Petro Vietnam Landmark. Thời gian trước, bên cạnh rắc rối với nhà thầu, việc một số khách hàng chây ì, không tuân thủ hợp đồng cũng góp phần khiến công trình bị chậm tiến độ. Công trình bị chậm, các khách hàng khác phản ứng, không chịu tiếp tục đóng tiền vì sợ bị chủ đầu tư lừa dối. Nếu 2 bên cùng sợ thiệt, cùng tiếp tục găng nhau thì dự án sẽ mãi nằm chết ở đó, chẳng có ai là người được lợi.

Ý thức được điều này, ngay sau khi thương thảo nhận lại công trình, chúng tôi đã quyết định một mặt lập tức bàn giao cho đối tác ACC 245 thuộc Cty Xây dựng Công trình Hàng không ACC, Quân chủng Phòng không - Không quân Bộ Quốc phòng để tiến hành hoàn thiện; mặt khác, tích cực liên hệ giải thích để khách hàng hiểu và thông cảm, tiếp tục cùng chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đưa dự án về đích.

Cho nên, bất cứ động thái nào từ phía Chính phủ chỉ nên coi là sự hỗ trợ, tạo điều kiện để DN tự cứu lấy mình.

* Vậy nhưng một chuyên gia kinh tế khác, TS Alan Phan lại tin rằng phải để các DN BĐS “chết đi” thì thị trường mới có thể hồi sinh, người cần mới mua được nhà?

- Hình như nhắc đến BĐS, nhiều người lập tức nghĩ đến… cò đất. Trên thực tế, giải cứu BĐS cũng đồng nghĩa với “tiếp máu” cho trên 60 phân ngành nghề liên quan, chưa nói đến ý nghĩa của nó với bất kỳ nền kinh tế nào. Tôi chưa từng thấy sự đổ vỡ nào mà không kéo theo hệ luỵ, và càng chưa thấy hệ luỵ nào nằm gọn được trong dữ liệu của những người tuyên bố “để chúng chết đi”.


Tái khởi động Dự án Petro Vietnam Landmark: Tiến độ đang được đẩy đi đúng hướng.

Còn về giá nhà đất, mà ở đây chủ yếu nói đến 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, thì buộc lòng chúng ta phải thừa nhận rằng, với mật độ dân số như vậy, truyền thống kinh doanh trọng mặt tiền như vậy, cộng với quan niệm “an cư lạc nghiệp”, ai cũng muốn sở hữu nhà thì việc lo cho mọi người đều có phần đã là điều cực kỳ khó, chứ chưa nói đến chuyện giá đắt hay rẻ. Cho rằng giá nhà đất ở 2 nơi này bị đẩy lên thuần túy do đầu cơ, cò mồi thì thực sự mới chỉ nhìn bề nổi.

Ở mỗi dự án của mình, chúng tôi luôn cố gắng để có giá thành hợp lí nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng cho từng phân khúc khách hàng, và chẳng có ông khách nào trong dự tính đó mang tên là “đầu cơ” cả. Chẳng ai lại vui mừng khi xây nhà cho những người không thực sự có nhu cầu về nhà ở.

* Hẳn cũng không phải vô cớ khi có người lo lắng rằng, qua đáy khủng hoảng này, tập đoàn “cá mập” nước ngoài đang lao vào “hốt xác” các DN BĐS trong nước?

- Tất nhiên, ở góc độ nào đó, nỗi lo này là có cơ sở. Nhưng trong thời buổi hiện tại, khi mà các DN BĐS trong nước cũng đang háo hức tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài, thì cách nghĩ này có phải hơi hẹp hòi? Hãy coi việc các Tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… vào Việt Nam cũng bình thường như việc anh Đoàn Nguyên Đức chuyển hướng đầu tư sang Myanmar, sang Lào…, họ cũng như mình, mong muốn một môi trường thuận lợi để kinh doanh.

Đối với tôi, M&A, mà tiền thân là tái cấu trúc DN, không phải cái gì kinh khủng đến thế, trái lại, có thể coi là chuyển biến tốt đẹp cho tất cả các DN: Những thực thể không đủ mạnh hoặc cảm thấy thực sự không phù hợp thì nên tìm cho mình con đường khác, còn những DN đủ nội lực thì có cơ hội tìm kiếm và mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình.

Nhìn tích cực, khi mà một người lãnh đạo không đủ sức phản ứng kịp thời để cứu thoát DN của mình, thì việc “làm thuê” cho nước ngoài chính là cơ hội đem về nguồn vốn, phương thức quản lý và kinh nghiệm là những thứ mình đang thiếu. Đương nhiên, cái giá phải đánh đổi là anh không còn làm chủ được vận mệnh của mình và DN mình.

Mọi lo ngại và biện pháp bảo hộ rồi cũng không ra ngoài được quy luật của thị trường. Và hiểu thị trường Việt Nam, tôi tin rằng không ai hơn được các DN Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng