Top

Tấc đất tấc vàng và chuyện 'bảo kê' giữ đất ở Phú Quốc

Cập nhật 22/06/2018 16:32

Giá đất ở Phú Quốc sốt ảo và tình trạng bao chiếm đang diễn ra ở đảo ngọc vô tình tạo điều kiện cho băng nhóm có đất sống.

Giang hồ cầm rựa vào khu vực mâu thuẫn giữa nhà đầu tư với người dân Khi xảy ra mâu thuẫn liên quan đến đất đai ở Phú Quốc, người dân đảo ngọc thường thấy sự xuất hiện của băng nhóm giang hồ có hung khí.

Giá đất liên tục tăng cao trong 3 năm trở lại đây khiến thị trường bất động sản ở Phú Quốc (Kiên Giang) trở nên phức tạp.

Hàng trăm tỷ đồng một ha đất

Theo chủ một doanh nghiệp ở ấp Ông Lang, xã Cửa Dương (Phú Quốc, Kiên Giang), hiện đất có mặt bãi biển ở khu vực này giá thị trường 40 triệu đồng/m2, tức là 400 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, nếu tính giá đang giao dịch của một khu "siêu phẩm đất nền" cách biển 1.200 m về hướng đường Cửa Cạn - Dương Đông là 18 triệu đồng/m2, thì mỗi ha đất khu vực này có giá 180 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Minh Biên, quản lý một nhà hàng bị rào chắn lối đi đã căng băng rôn phản ứng nhà đầu tư. Ảnh: Việt Tường.

"Giá bình quân chung là như vậy nhưng giao dịch thực tế sẽ cao gấp đôi, vì chủ đầu tư đã đổ tiền làm hạ tầng và các công trình phụ trợ khác", chủ một resort nói.

Các khu vực khác, giá đất cũng cao ngất ngưởng. Tại thị trấn Dương Đông hiện có khu đô thị rộng 67,5 ha nằm trong quy hoạch tổng thể trên 140 ha mở rộng thị trấn trung tâm của huyện đảo Phú Quốc. Những người đầu tư đất tại khu đô thị 67,5 ha cho biết 3 năm trước, giá đất chỉ là 6 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 30 triệu đồng/m2.

Theo một cán bộ Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc, khu vực Bãi Trường của xã Dương Tơ, có một nhà đầu tư lớn đang "chia sẻ" đất dự án đã hoàn thiện hạ tầng cho nhà đầu tư cấp 1 với giá 8 triệu đồng/m2 (80 tỷ đồng/ha).

Băng nhóm bảo kê tranh chấp đất

Ông Nguyễn Văn Thương (ở khu phố 5, thị trấn Dương Đông) cho biết gia đình có khu đất rộng hơn 17.000 m2 do ông bà để lại ở xã Dương Tơ. Sau khi được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ trên 6.000 m2, cha vợ ông Thương khiếu nại đòi trên 10.000 m2 còn lại, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được chính quyền huyện đảo giải quyết dứt điểm.


Chỉ vài tấc đất nhưng doanh nghiệp không chịu nhường nhau, nhà đầu tư quyết xây hàng rào để chắn đường ra vào của một nhà hàng. Ảnh: Việt Tường.

Vài tháng trước, một phụ nữ cho người xây dựng công trình và chặt bỏ hàng nghìn cây tràm bông vàng trên đất cha vợ ông Thương đang khiếu nại, thì một nhóm hàng chục người mang hung khí đến bảo vệ công trình. Khi ông Thương gọi điện báo UBND huyện thì vài cán bộ của Đội trật tự đô thị Phú Quốc xuất hiện, nhưng sau đó đã rút lui vì không "tương quan lực lượng".

Giữa tháng 5/2018, khi chủ đầu tư Sovico làm hàng rào xung quanh dự án 205 ha và treo dòng chữ "không phận sự cấm vào" khiến người dân bức xúc, vì đường xuống biển bị doanh nghiệp chặn lại. Trong lúc xây dựng và đưa cơ giới vào khu vực dự án, nhà đầu tư thuê công ty bảo vệ, nhưng hình ảnh ghi nhận được từ camera an ninh cho thấy có nhiều người cầm hung khí, dao, rựa xuất hiện.

Theo Công an huyện Phú Quốc, thời gian gần đây, huyện đảo xuất hiện các băng nhóm đến bảo kê trong các vụ tranh chấp, bao chiếm đất. Nhận thấy vụ việc ngày càng diễn biến phức tạp, Công an Phú Quốc triển khai kế hoạch, huy động lực lượng trấn áp các băng nhóm "bảo kê" đất đai.


Một thanh niên cầm hai cây rựa xông vào khu vực có sự mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân. Ảnh cắt từ clip.

Đến nay, Công an Phú Quốc đã giải quyết 13 vụ tranh chấp đất, mời gần 140 người về trụ sở làm việc. Qua sàng lọc, nhà chức trách đã lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 5 người, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 13 người sử dụng trái phép chất ma túy và lập hồ sơ cá nhân răn đe, giáo dục, buộc 119 người cam kết không tái phạm. Trong số này 23 người có tiền án, 66 người từ nơi khác đến.

Trong kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang sau khi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Quốc có nêu vấn đề tội phạm, tệ nạn xã hội ở đảo ngọc có chiều hướng gia tăng. Nơi đây đã hình thành băng nhóm tội phạm, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, việc doanh nghiệp làm hàng rào chặn đường xuống biển là sai vì bãi biển là của chung. Theo giáo sư, doanh nghiệp bao chiếm đường xuống biển có phần do địa phương làm sai, vì khi giao đất không nói rõ là chừa đường cho dân xuống biển.

"Nếu không xử lý nghiêm thì tình trạng lộn xộn, bao chiếm đường như vậy cứ diễn ra. Làm được hoài thì doanh nghiệp cứ chia nhau đất, tiếp tục làm bậy, cuối cùng thì người thật sự muốn làm thì không có đất vì bị chiếm trước hết", giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.



DiaOcOnline.vn - Theo Zing