Top

”Sốc” và ”nghịch lý”

Cập nhật 12/10/2012 13:15

Đúng vào thời điểm thị trường đang cực kỳ ảm đạm thì việc chủ đầu tư Khu đô thị mới Đại Thanh liên tiếp chào bán các căn hộ diện tích nhỏ và vừa với "giá sốc", thậm chí còn thấp hơn giá nhà ở xã hội đã gây nên một cơn sóng cồn trên thị trường bất động sản Hà Nội.

Đã có người nghi hoặc liệu với giá chỉ 10 triệu đồng/m2 thì chất lượng căn hộ có được bảo đảm hay không? Thế nhưng, đa số dư luận đều cho rằng đây là tín hiệu tốt để "mồi" giá bất động sản về đúng với giá thực hơn, ngoài ra, sự kiện cũng đặt ra những vấn đề mà cơ quan quản lý cần phải xem xét lại.

Có một dạo khi thành phố Hà Nội liên tiếp triển khai các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, dư luận đã phải tốn rất nhiều giấy mực quanh chuyện giá cả. Dù được Nhà nước và thành phố có những chính sách ưu đãi nhất định, với mục tiêu để giảm giá thành hỗ trợ người nghèo, tuy nhiên chỉ duy nhất dự án CT1A Ngô Thì Nhậm có giá bán tới tay người dân ở mức dưới 10 triệu đồng/m2, các dự án còn lại đều vượt trên con số này, và người dân cũng phải chịu bao thủ tục cũng như các ràng buộc, thậm chí phải chấp nhận hạn chế quyền định đoạt với căn hộ. Khi ấy, tranh luận về giá thành, nhiều chủ đầu tư quả quyết "như đinh đóng cột"rằng giá đã "sát đáy" không thể giảm hơn được nữa. Dĩ nhiên là người dân phải tin, và phải chấp nhận giá doanh nghiệp đưa ra.

Khác với câu chuyện trên, giờ đây, chủ đầu tư Khu đô thị Đại Thanh còn khẳng định, không chỉ với những căn hộ mới mở bán, mà sẽ áp giá 10 triệu đồng với cả những căn cùng diện tích mà khách hàng đã mua trước đó. Và với giá bán này họ vẫn bảo đảm một mức lãi nhất định, sau khi tiết giảm hợp lý chi phí, áp dụng quản lý tốt và dĩ nhiên là ăn lãi ít hơn.

Vậy là, một dự án nhà thương mại có vị trí địa lý gần như là liền kề với khu nhà dành cho người thu nhập thấp Kiến Hưng, nhưng giá bán lại thấp hơn khá nhiều, hẳn cũng khiến nhiều người trăn trở. Doanh nghiệp làm nhà thương mại, không có những chính sách ưu đãi như nhà thu nhập thấp, nhưng họ vẫn có thể tạo ra những sản phẩm giá thấp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thậm chí còn "chơi đẹp" bằng việc giảm giá cho cả những hợp đồng đã ký trước đó. Trong khi các chủ đầu tư nhà xã hội vẫn cứ án binh bất động. Hồi đầu tháng này, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhận định rằng giá nhà thu nhập thấp hiện còn cao và thực tế có thể giảm được khoảng 15% nữa.

Nói là để so sánh thì không hẳn đúng vì mỗi dự án có những điều kiện khác nhau, song qua "sự kiện Đại Thanh" cho thấy cần có những thay đổi trong chính sách quản lý, điều tiết thị trường bất động sản nói chung và các dự án nhà thu nhập thấp nói riêng. Hà Nội có 11 dự án đầu tư xây dựng nhà cho người thu nhập thấp quy mô hơn 11.000 căn hộ. Nhưng từ chỗ tranh nhau mua thì đến nay vẫn có không ít căn hộ không bán được vì giá quá cao. Nghịch lý này cần sớm được tháo gỡ.

Trong một cuộc họp diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2 - 4 triệu đồng mỗi mét vuông, các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà, trong đó quan trọng nhất là cơ chế và nguồn cung. Và để làm được điều này, có lẽ cần thiết nhắc lại lời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, làm nhà thu nhập thấp còn "đòi hỏi cái tâm của doanh nghiệp". Vâng, nếu các doanh nghiệp quan tâm và thực sự vì một chủ trương lớn chắc chắn sẽ không còn nghịch lý giá nhà cho người nghèo cao hơn giá nhà thương mại như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới