Top

Siết chặt tín dụng vào bất động sản, thị trường sẽ ra sao?

Cập nhật 05/12/2019 14:30

Theo quan điểm của các chuyên gia tài chính tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP.HCM năm 2020” diễn ra sáng nay (5/12), tín dụng bất động sản thắt chặt đang ảnh hưởng đến các chủ đầu tư.



Dĩ nhiên về khía cạnh huy động vốn đối với bất động sản có rất nhiều nguồn bên cạnh nguồn vốn ngân hàng. Thắt chặt cũng như giảm tín dụng bất động sản thời gian qua có áp lực lớn cho các doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành cho biết thêm, tiềm năng phát triển trong tương lai tương đối tốt khi tầng lớp trung lưu tăng cao, cách sống của giới trẻ khiến nhu cầu cho các loại hình bất động sản.

Ông Thành cho rằng có 6 yếu tố liên quan đến bất động sản cần lưu ý trong trung - dài hạn. Đầu tiên, pháp lý liên quan đến bất động sản có quá nhiều luật. Thế nhưng gần như tất cả các luật cần sửa đổi để hoàn thiện, còn chồng chéo, xung khắc và những vấn đề này sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có những điểm hy vọng tích cực dù chưa lớn, ví dụ như pháp lý với condotel cũng đang được bàn thảo.

Yếu tố thứ hai là tốc độ đô thị hóa. Việt Nam mới có 35% đô thị. Như vậy, xu thế đô thị hóa trong thời gian tới sẽ rất mạnh. Trong xu thế này, Hà Nội, TP.HCM, thậm chí Đà Nẵng đứng trước nhiều áp lực về hạ tầng giao thông đi cùng biến đổi khí hậu. Nên cần lan tỏa ra các tỉnh lân cận và vùng ven. Lan tỏa này gắn theo câu chuyện dòng người di cư, nhu cầu lao động…

Yếu tố thứ 3, là hạ tầng bức tranh vẽ nên rất đẹp nhưng tốc độ triển khai còn bất định nên đây vẫn còn là dấu hỏi. Năm nay giải ngân đầu tư công chậm nhưng thu ngân sách khá, hy vọng sẽ đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.

Yếu tố thứ 4, về đất đai từ quyền sở hữu chuyển nhượng, đấu thầu còn là câu chuyện dài, ví dụ như câu chuyện đất công ở TP.HCM và tăng giá đất liên quan đến thuế, đến đầu ra cho bất động sản.

Yếu tố thứ 5 là vốn và tiền. FDI là điểm tốt không chỉ đầu tư trực tiếp mà M&A cũng tốt nhờ chuyển hướng chiến lược và chuyển hướng đầu tư của nhiều nước. Chính sách tiền tệ tốt, tỷ giá tốt, lãi suất giảm có thể còn cần thời gian để lan tỏa đến nền kinh tế nhưng đây là tín hiệu tốt.

Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ sửa Nghị định 20 quy định trần khống chế chi phí lãi vay không quá 20%, sắp tới có thể lên đến 30-35%. Đây cũng là tín hiệu tích cực. Thông tư 22 liên quan đến tiền huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ đầu năm tới, cho các năm tiếp theo các tỷ lệ này sẽ giảm dần.

"Tín dụng bất động sản hiện nay thu hẹp chưa nhiều, 9 tháng đầu năm tín dụng cho bất động sản tăng 16%, tổng tín dụng cho vay liên quan bất động sản, nhà đầu tư và người tiêu dùng gần 20% trên tổng dư nợ tín dụng. Trong đó cho vay Kinh doanh bất động sản năm nay còn lại 32%", ông Thành cho biết.

Yếu tố thứ 6 là lòng tin của khách hàng. Trong tranh chấp giữa chủ dự án – khách hàng (quỹ bảo trì – quản lý) gia tăng, "vỡ trận" cam kết lợi nhuận tại dự án Cocobay. Bên cạnh đó là cơn sốt đất nền ở một số địa phương, dự án "ma" và sự chậm trễ vào cuộc của chính quyền.

Cuối cùng, ông Thành lưu ý, việc tiếp cận thông tin để nhìn ra xu thế, tận dụng lợi thế, linh hoạt trong xử lý, biết kết nối và quan tâm quản trị rủi ro đó là những "từ khóa" mà doanh nghiệp và người mua cần lưu ý.

Theo TS. Thành, Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vừa được ban hành theo hướng tiếp tục siết mạnh với cho vay bất động sản (bất động sản) khi giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Nhiều người lo ngại, với việc thắt chặt tín dụng như hiện nay thì thị trường bất động sản sẽ ngày càng khó khăn, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, quy định này không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, khách hàng mua nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi 50%) vẫn được vay mua nhà.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE, cho rằng về phía doanh nghiệp địa ốc, các chủ đầu tư nghĩ đến các kênh huy động khác để đa dạng dòng vốn. Liên doanh phát triển dự án với các doanh nghiệp nước ngoài, nhóm doanh nghiệp nước ngoài đánh giá tiềm năng bất động sản Việt Nam rất cao nhưng gặp khó khăn khi tìm kiếm quỹ đất nên họ chuyển sang tìm kiếm các đối tác đã có quỹ đất để phát triển dự án.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư phát hành trái phiếu, đây cũng là kênh huy động nguồn tiền khác để phát triển dự án bên cạnh kênh huy động vốn từ khách hàng. Việc đa dạng giúp giải tỏa áp lực cho các chủ đầu tư khi gặp áp lực với kênh huy động vốn truyền thống.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực phân tích, trong Thông tư 22 có quy định rõ hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay khách hàng cá nhân vay mua nhà, xây dựng, sửa nhà để ở dưới 1,5 tỷ đồng mức chỉ 50%, thay vì 150% trước đây. Do đó, người vay mua nhà để ở không bị ảnh hưởng, thậm chí còn có lợi. Chỉ có cho vay kinh doanh bất động sản đối với các chủ đầu tư thì hệ số rủi ro mới ở mức 150% và sắp tới tăng lên 200% và vẫn ở mức tương đương như thời gian qua.

Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh hệ số rủi ro cũng nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Do đó quy định tại Thông tư không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Các quy định này cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực, uy tín để huy động vốn trên thị trường vốn trong nước cũng như quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, phù hợp với xu hướng của quốc tế hiện nay.

Trả lời câu hỏi khả năng vay vốn ngân hàng như thế nào đối với các dự án bất động sản nói chung? Để từng bước nâng cao khả năng tự chủ nguồn vốn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng các doanh nghiệp BĐS có thể đi theo nhiều hướng khác nhau. Trước hết, các doanh nghiệp nên xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Song song với đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực để hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu DN, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu và cao nhất là niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài.

Một hướng đi khác là các doanh nghiệp cần lựa chọn đối tác là các đối tác có vốn đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nội tăng cường nguồn lực, mà thông qua liên kết, hợp tác, doanh nghiệp còn học hỏi được kinh nghiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về cách thức phát triển dự án, phong cách, kiến trúc xây dựng cũng như vấn đề nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp…

Còn theo ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group, các ngân hàng thương mại khi cho vay BĐS có 2 đối tượng chính. Đó là khách hàng là doanh nghiệp kinh doanh BĐS và khách hàng là người mua nhà. Đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong việc tăng lãi suất và siết room tín dụng lại là người có nhu cầu mua nhà ở thực. "Đối tượng này đã ít tiền mà lại càng ít sự lựa chọn nguồn vốn vay nên sắp tới sẽ không thể tiếp cận được các sản phẩm nhà ở ngày càng khan hiếm nguồn cung", ông Phúc nói thêm.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những cơ chế cho vay ưu đãi và khuyến khích các chủ đầu tư phát triển một số dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (1-2 tỷ đồng/căn) dành cho nhu cầu ở thực của đại đa số người dân hiện nay. Không hạn chế room tín dụng đối với các chủ đầu tư ưu tiên phát triển loại hình sản phẩm nhà ở này. Khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng tín dụng tiêu dùng mua nhà dành cho khách hàng cá nhân.

Đối với các ngân hàng thương mại, theo ông Phúc nên có chính sách cho vay thuận lợi đối với khách hàng mua nhà lần đầu, khách hàng mua nhà với mục đích để ở chứ không phải đầu tư. "Việc này sẽ không khó với các ngân hàng vì có thể xác định được mục đích vay khi thẩm định hồ sơ của khách hàng và cần ưu đãi lãi suất vay", ông Phúc góp ý.

DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống việt