Top

Về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển:

“Sẽ sòng phẳng hơn trong thu hồi đất!”

Cập nhật 01/03/2013 08:45

Sáng 28.2, Bộ TNMT tổ chức họp báo về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển (ảnh) cho biết, Luật Đất đai sẽ có quy định chặt chẽ hơn về vấn đề thu hồi đất. Các vấn đề về thu hồi đất sẽ giải quyết sòng phẳng, rõ ràng hơn đối với cả chủ đầu tư lẫn Nhà nước.


* Một trong những mục tiêu của sửa đổi Luật Đất đai là khắc phục tình trạng thu hồi đất tùy tiện hiện nay. Điều này sẽ được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

- Để khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan trong thời gian qua thì cả trong nghị quyết T.Ư lẫn thể chế hóa trong luật đều thực hiện theo cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Trước đây quyền thẩm quyền thuộc UBND nhưng bây giờ phải thông qua HĐND, nhất là các dự án kinh tế. Bước tiến ở đây là có sự giám sát của HĐND, lập kế hoạch hằng năm và kế hoạch đó phải có cơ quan quyền lực là HĐND xem xét, tránh chuyện thu hồi tràn lan. Ngoài ra, với nhà đầu tư phải có một số điều kiện, phải có năng lực tài chính (phải thông qua kiểm toán) và phải ký quỹ. Các dự án trước đó nếu chậm triển khai, bỏ hoang thì không giao dự án mới.

* Có thực trạng là các dự án treo hiện quá nhiều, khó thu hồi. Vấn đề này sẽ được luật sửa đổi xử lý như thế nào?

- Chúng tôi đã có chế tài rõ về việc thu hồi đất dự án treo. Điểm mới của Dự thảo luật sửa đổi là các dự án chỉ có chủ trương đầu tư sẽ chưa giao thuê đất ngay, mà sau 3 năm nếu không thực hiện thì đương nhiên hủy bỏ. Còn đối với các dự án đã giao thuê đất, sẽ có các mốc thời hạn cụ thể: Dự án nào chưa triển khai thì sau 12 tháng sẽ thu hồi đất. Dự án nào triển khai rồi thì thời hạn triển khai là 24 tháng. Việc gia hạn chỉ tiến hành một lần và tối đa là 12 tháng. Đây là điểm hoàn toàn mới bởi luật trước đây không quy định gia hạn cụ thể về thời gian. Nếu chủ đầu tư quá thời hạn đó thì Nhà nước thu hồi và không có chuyện bồi hoàn. Nếu nhà đầu tư thấy không làm được mà trả trước thời hạn gia hạn thì Nhà nước sẽ có phương án thanh toán sòng phẳng.

* Còn việc tăng cường giám sát của cơ quan chức năng quy định ra sao trong luật đối với các dự án thuê đất, thưa ông?

- Thay vì kiểm tra, thanh tra đột xuất như trước, sẽ tăng cường giám sát cả quá trình, từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc dự án. Chủ đầu tư phải thường xuyên báo cáo quá trình thực hiện dự án lên bộ. Để xử lý thực trạng hiện nay, bộ đã làm việc với các địa phương. Với dự án chỉ có chủ trương đầu tư không thôi thì rà soát, nếu thực sự không thể triển khai thì công bố hủy bỏ. Nếu đã triển khai quá thời hạn thì phải thu hồi nếu không có lý do. TPHCM đã đưa ra tiêu chí rồi và hiện Hà Nội cũng đang xin ý kiến về các tiêu chí thu hồi.

* Người dân một số dự án yêu cầu không nhận bồi thường bằng tiền mà nhận bằng đất, trong khi chính quyền bảo không có đất để bồi thường. Vậy phải xử lý vấn đề này như thế nào?

- Nếu không có đất thì phải bồi thường bằng tiền và tiền tương đương với tiền đất chứ không còn cách nào khác. Nguyên tắc là thu hồi đất theo mục đích sử dụng chứ không phải bồi thường đất theo quy hoạch. Thu hồi đất nông nghiệp thì bồi thường đất nông nghiệp chứ không phải đất chung cư. Thực ra, một số nơi, cái người dân đòi là đòi đất dịch vụ, cấp suất đất để bố trí sản xuất kinh doanh nhưng thực tế rất khó. Vì cấp cho người này thì phải thu đất của người khác. Ở Hà Nội, nhất là vùng Hà Tây cũ đang nợ rất nhiều. Người dân đòi đất dịch vụ, xử lý rất khó. Chính vì vậy phải điều chỉnh Nghị định 69, trả bằng tiền nhưng phải làm sao ổn định cuộc sống cho họ.

Đối với sửa đổi luật lần này, không chỉ có hình thức thu hồi đất mà chúng tôi muốn còn có các hình thức khác như cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Luật Đất đai chưa quy định nhưng có thể sau này quy định bằng công cụ thuế. Ví dụ, đất bán cho người khác để sản xuất công nghiệp thì thuế phải cao nhưng nếu cho sản xuất nông nghiệp thì thuế thấp, khuyến khích cho thuê.

Xin cảm ơn ông!

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương, 206 điều - tăng 7 chương và 60 điều so với luật năm 2003. Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến người dân kéo dài đến hết tháng 3 và dự thảo luật phải được hoàn thiện và gửi Thường vụ Quốc hội trước 10.5.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động