Top

Sân golf phá vỡ hệ thống rừng ngập mặn trên đảo Cát Bà

Cập nhật 22/03/2018 10:40

Tại đảo Cát Bà, khu vực bãi triều và di chỉ khảo cổ xã Xuân Đám tạo sự quan tâm đặc biệt cho các chuyên gia di sản. Thế nhưng, khu vực này đang đứng trước nguy cơ biến mất hệ sinh thái rừng ngập mặn, bị đe dọa bởi một dự án sân golf 17 lỗ sắp được triển khai.

Có 40 dự án được nêu trong bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuần vừa qua, đoàn nhà báo đến từ 30 cơ quan báo chí Việt Nam và các chuyên gia đến từ các Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Hội Di sản văn hóa Việt Nam... đã đi điền dã tại đảo Cát Bà.

Một trong những địa điểm dừng chân trên hành trình là xã Xuân Đám, cách trung tâm thị trấn Cát Bà 15 km.

Đoàn ghé thăm Di chỉ bãi Cát Đồn, đây là một trong những di chỉ khảo cổ nổi bật ở đảo Cát Bà, nằm trong diện tích Đồn thành nhà Mạc, trên gò đất lớn cách bờ biển 100m.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, nơi đây hiện hữu sự hình thành tồn tại và phát triển của cư dân vùng biển Đông Bắc Việt Nam từ  hàng nghìn năm trước.

Di chỉ này được khai quật vào năm 2003, các nhà khảo cổ học đã thu được số lượng rất lớn các hiện vật bằng đá gốm, chưa kể sàng lọc trên 700 hiện vật. Qua nghiên cứu thì niên đại các công cụ này vào khoảng 2.500 đến 2.700 năm.

Liền kề di chỉ khảo cổ là bãi triều Xuân Đám với 5 ha rừng ngập mặn, còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, đây là một trong những khu vực còn giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất ở vùng đảo của Việt Nam.

Liền kề với rừng ngập mặn là cánh đồng của nông dân xã Xuân Đám mới được chính quyền địa phương thu hồi để giao cho một doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư xây dựng một sân golf. Ông Neahga Leonard, Giám đốc dự án Bảo tồn Langur Cát Bà cho biết, rừng ngập mặn ở đây là bãi đẻ cho rất nhiều loài hải sản.

Bãi triều này cũng là sinh cảnh quan trọng cho đa dạng sinh học, cho các loài động thực vật và sinh kế của người dân địa phương.

Theo ông, "người dân ở trên đảo Cát Bà có 2 nghề chính: dịch vụ du lịch và nghề cá. Làm việc tại đảo đã 4 năm, tôi đến đây rất nhiều lần và quan sát rất nhiều tôm, ngao, hàu, cua cá ở bãi triều này. Bãi triều ở đây đến thời điểm này vẫn ít bị tác động xâm hại nhất bởi hoạt động du lịch.

Nếu xây sân golf ở đây, sẽ làm biến mất rừng ngập mặn, tức là không còn bùn bã thức ăn cung cấp cho thủy hải sản. Dẫn đến số lượng các loài cua cá ở vùng biển quanh đảo Cát Bà sẽ giảm, đồng nghĩa với việc đa dạng sinh học mất đi. Bị tác động đầu tiên chính là ngư dân ở đây, họ sẽ mất đi sinh kế".

GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Chương trình con người và sinh quyển UNESCO MAB cũng đồng quan điểm, cho rằng: nếu làm sân gold kề bãi triều này, sẽ phá vỡ ngay hệ thống rừng ngập mặn. Lúc đó, con đê biển xã Xuân Đám cũng sẽ bị vỡ.

Dự báo sau đó, người ta sẽ buộc phải xây đê bằng bê tông. GS. Trí nêu quan điểm: phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng là hướng đi đúng, tuy nhiên, cần phải có hướng đi bền vững.

"Nên học theo cách làm ở Tây Bắc, họ thiết kế những homestay với du lịch cộng đồng vừa rẻ, vừa bảo tồn được thiên nhiên. Ở khu rừng ngập mặn này vẫn có thể khai thác du lịch hài hòa với thiên nhiên, đó là dựng những nhà hàng, nhà nghỉ bằng tre gỗ.

Du khách được ngồi ăn ở giữa rừng ngập mặn, khai thác cua cá từ dưới bãi triều lên, đồ ăn uống vừa sạch, mà không gây hại cho đa dạng sinh học", GS.Trí khuyến nghị.

Ông Neahga Leonard cũng hiến kế, thay vì làm sân golf ở đây thì nên chuyển ra chỗ khác cách đây chừng 5 km.

"Trên đường từ thị trấn Cát Bà ra xã Xuân Đám, đằng sau núi kia cũng có một cái vịnh, nhưng vịnh ở đó có tính đa dạng sinh học rất thấp, rừng ngập mặn đã không còn. Nên làm sân golf ở đó, du khách vẫn có thể vừa chơi vừa ngắm biển. Còn chỗ này tính đa dạng sinh học rất cao, rất quan trọng, không thể hy sinh được".

Năm 2014, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có 40 dự án được nêu trong bản quy hoạch.

Đáng chú ý là các dự án Thủy cung sinh vật biển Cát Bà, Khu dịch vụ du lịch khinh khí cầu tại thị trấn Cát Bà, sân golf Cát Bà, tuyến cầu treo sinh thái và tuyến ZipFly trong Vườn quốc gia Cát Bà...

Đặc biệt, dự án Xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà khởi công năm 2017 với tổng giá trị trên 3 tỷ USD.

Trong đó, có tuyến cáp treo hay dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà. Thế nhưng, chủ đầu tư và chính quyền không hỏi ý kiến Vườn quốc gia và các nhà khoa học.

Theo ông Hoàng Văn Thập, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, đến thời điểm này chưa nhận được đề nghị tham vấn hay bất kỳ thông tin liên quan đến các dự án sẽ được triển khai trong khu vực Vườn quốc gia nói chung và khu bảo tồn nghiêm ngặt dành riêng cho voọc Cát Bà nói riêng.

Nếu dự án này được triển khai, thì cảnh quan môi trường và hệ sinh thái của khu bảo tồn nghiêm ngặt dành riêng cho voọc Cát Bà có thể bị phá vỡ.

Voọc Cát Bà là giống linh trưởng đặc hữu, trên thế giới chỉ có ở Cát Bà. Đây cũng là linh trưởng nguy cấp nhất đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Tính đến cuối năm 2017, tại khu vực Cát Bà chỉ còn 56 con voọc.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy