Top

Quy hoạch đô thị cũ cần cơ chế đồng bộ

Cập nhật 31/10/2014 09:48

Các đô thị chủ yếu quan tâm và tập trung vào cải thiện bề nổi của đô thị với các dự án của Nhà nước và chính quyền địa phương nhằm xây dựng khu trung tâm, hạ tầng đầu mối, các khu đô thị. Còn việc cải tạo, nâng cấp các khu dân cư đô thị cũ, làng xóm trong các khu ven đô vẫn không đáng kể.

“Hiện hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm bị đô thị hóa một cách ồ ạt, lộn xộn tạo nên một vùng nhà ở ổ chuột kiểu mới, là các khu ngõ ngách không ánh sáng mặt trời, đường sá chật hẹp, trẻ em không có chỗ chơi, người già không có chỗ dạo, xảy ra sự cố, xe cứu hỏa không thể vào…”, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết.


Cải tạo, nâng cấp đô thị vẫn chậm chạp

Trong thời gian vừa qua, cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế sang cơ chế thị trường với tốc độ đô thị hóa ngày một cao thì kết cấu hạ tầng các khu vực đô thị cũ và các khu vực ven đô ngày càng xuống cấp. Các đô thị chủ yếu quan tâm và tập trung vào cải thiện bề nổi của đô thị với các dự án của Nhà nước và chính quyền địa phương nhằm xây dựng khu trung tâm, hạ tầng đầu mối, các khu đô thị.

Còn việc cải tạo, nâng cấp các khu dân cư đô thị cũ, làng xóm trong các khu ven đô vẫn không đáng kể, chậm chạp hoặc chưa được quan tâm. TS. Dương Quốc Nghị (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Các chương trình, dự án và các đô thị tự cải tạo chỉnh trang gần đây còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu nâng cấp-phát triển đô thị to lớn khi nước ta trở thành một nước công nghiệp”.

Đồng quan điểm, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Sau hơn 1.000 năm phát triển, Hà Nội thành Thủ đô thì Luật Thủ đô có hiệu lực mới có cơ chế, chính sách quy hoạch đối với việc cải thiện, tái thiết đô thị, nhưng chỉ trong 4 quận nội đô là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng. Sắp tới, hàng trăm đô thị tại Việt Nam bao giờ có cơ chế?

Ông Nghiêm cho biết thêm, TP. Hà Nội cũng rất quan tâm đến khâu quy hoạch. Tháng 11/1994, có quy hoạch hạ tầng bán đảo Hồ Tây, nhưng hoàn toàn thất bại bởi không có chính sách đầu tư rõ ràng. “Chúng ta có thể thấy đường làng, ngõ xóm có chỉnh trang nhưng kiến trúc diện mạo không như mong muốn”, ông nói.

Hay, tháng 5/1998, phường Kim Liên có quy hoạch chi tiết rõ đường làng kỹ thuật, đường làng mở bao nhiêu, đặt chợ búa như thế nào… nhưng cuối cùng chỉ chỉnh trang cho khu tập thể, khu dân cư còn làng xóm vẫn không thay đổi vì không có nguồn lực đầu tư... Quy hoạch phường Phú Thượng - Tây Hồ cũng vậy, người dân chấp hành đầy đủ và kết hợp với dự án của Đan Mạch, mời mọi gia đình đến lấy ý kiến, lập  ra một bản quy hoạch mẫu mực nhưng cuối cùng vẫn như Phú Thượng hiện nay.

Bởi, chính quyền không can thiệt trực tiếp, một số luật lệ khác không thống nhất với luật xây dựng và quy hoạch. “Rõ ràng có quy hoạch mà không thực hiện. Chính quyền có quan tâm, có hỏi dân. Vậy tại ai?”, TS. Đào Ngọc Nghiêm đặt vấn đề. “Phải có cơ chế chính sách đồng bộ tích hợp các yếu tố quản lý nhằm quy hoạch người dân”, ông nêu ý kiến.

Để giải quyết vấn đề này, TS. Dương Quốc Nghị cho rằng: Cần chuyển việc cải tạo hạ tầng từ Nhà nước sang mô hình Nhà nước chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện; chính quyền và cộng đồng địa phương đề xuất, tổ chức, huy động nguồn lực, lập bộ máy quản lý chuyên nghiệp thực hiện và duy trì.

Còn TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, phải xác lập đồng bộ hệ thống quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, hạ tầng. Quy hoạch chi tiết chỉ có hiệu lực chỉ áp dụng khi có dự án và có quản lý. Trong khi quy hoạch đại trà thực hiện theo dự án riêng thì phải đồng bộ hệ thống quy hoạch, đổi mới làm rõ quy trình quy hoạch giữa các đô thị mới. Đặc biệt, chúng ta phải huy động các nguồn lực tham gia.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng