Top

Phố đi bộ - bao giờ?

Cập nhật 31/07/2014 13:08

Cách đây hơn 10 năm, UBND TPHCM đã có đề án thành lập các tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) đề án vẫn là ý tưởng từ công ty tư vấn và đang trình lãnh đạo UBND TP xem xét, cho ý kiến để triển khai những bước tiếp theo.

10 năm vẫn là ý tưởng

Năm 2003, UBND TPHCM giao Sở Giao thông-Vận tải lập đề án xây dựng phố đi bộ nhằm tạo một không gian sinh hoạt công cộng tại quận 1. Đồng Khởi là tuyến đường đầu tiên được công ty tư vấn quy hoạch. Nhưng vào thời điểm đó dự án gặp rắc rối do vướng thiết kế các công trình giao thông ngầm nên không được duyệt. Sau đó, vấn đề này tiếp tục được đưa ra bàn cãi. Nhiều ý kiến của cá nhân, đơn vị đề xuất chọn các tuyến phố khác như Nguyễn Huệ, Lê Lợi...

Sau nhiều lần cân nhắc, UBND TPHCM đã giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư nghiên cứu lập tuyến phố đi bộ ở khu vực đường Nguyễn Huệ, nhưng tiếp tục gặp bế tắc. Đến đầu năm 2011, UBND TP quyết định giao Sở QH-KT chủ trì làm việc với Công ty Tư vấn IDOM (Tây Ban Nha) lập đồ án “Thiết kế ý tưởng cảnh quan và bố cục không gian khu phố đi bộ trong khu trung tâm TPHCM”.

Dự án thiết kế ý tưởng cảnh quan và bố cục không gian khu phố đi bộ tại quận 1 có diện tích khoảng 136ha. Đây là khu vực bao gồm nhiều không gian công cộng, trục đường và công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt về lịch sử, về tổ chức không gian đô thị và nghệ thuật kiến trúc, mang nét đặc trưng và tiêu biểu của TPHCM.

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở QH-KT
 

Theo đồ án, dự kiến có 3 khu vực được cải tạo thành phố đi bộ. Thứ nhất, khu vực giới hạn bởi các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện. Đơn vị tư vấn nhận định đây là khu vực mang đậm nét châu Á trung tâm TP, tập trung nhiều khách sạn nhỏ, tiệm ăn, cửa hàng thu hút sự quan tâm của du khách. Thứ hai, khu vực chợ Bến Thành và các khu lân cận, nơi tập trung dày đặc các gian hàng nhỏ lẻ, tạo nên nét đặc trưng hiếm có của TPHCM.

Thứ ba, một phần các tuyến đường trong khu trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Lê Duẩn… Khu vực này có các công trình mang đậm chất văn hóa, lịch sử như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Dinh Độc Lập. Đặc biệt, đường Đồng Khởi là trục xương sống dành cho các hoạt động thương mại vì tập trung nhiều cao ốc, trung tâm mua sắm.

Theo đơn vị tư vấn, để chuyển dần sang hình thái phố đi bộ và mua sắm, trước mắt cần tổ chức các khu vực dành riêng cho người đi bộ vào ngày chủ nhật để tạo sự thích nghi, đồng thời từng bước thu hẹp lòng đường (chỉ còn hai làn xe) một số tuyến ưu tiên cho người đi bộ.

Công ty IDOM còn đưa ra ý tưởng xây dựng một quảng trường nổi nhô ra sông Sài Gòn làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Để phục vụ du khách và người dân, nhiều tuyến đường trong phố đi bộ sẽ được phát triển các hình thức thương mại có quy mô nhỏ lẻ (các cửa hiệu, chợ cuối tuần…). Riêng hàng rong cũng được bố trí ở những địa điểm phù hợp.

Trong khi đó, các khu vực mua sắm cao cấp sẽ nằm dọc bờ sông Sài Gòn và đường Đồng Khởi. Đơn vị tư vấn cũng nhấn mạnh TPHCM có những tuyến sông rạch đẹp nhưng đến nay chưa phát huy hết giá trị do bờ sông chưa có các yếu tố hấp dẫn người dân và du khách. Cụ thể, thiếu các hoạt động văn hóa, ẩm thực và không gian vui chơi giải trí. Đây là yếu tố quan trọng cần tính tới trong quá trình hiện thực hóa phố đi bộ.

3-5 năm nữa mới thành hiện thực?

Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho biết để quy hoạch phố đi bộ khu dân cư phải tách bạch với khu mua sắm, nhiều khu phố đi bộ trên thế giới như Singapore, Trung Quốc… đều làm như vậy. Tại những phố đi bộ, đường phố không có vỉa hè. Tại thời điểm này nếu chúng ta quy hoạch phố đi bộ tại một số tuyến đường như tư vấn rất khó khả thi, bởi đó là khu dân cư, xe người dân ra vào hàng ngày.

Tại trung tâm quận 1 chỉ có khu vực nhà thờ Đức Bà mới có thể triển khai phố đi bộ được, bởi xung quanh hầu như không có nhà dân. Gần đây có ý kiến đề nghị quy hoạch khu phố “Tây ba lô” ở đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… thành nơi đi bộ cũng hoàn toàn không khả thi bởi mật độ nhà dân nơi đây dày đặc.
 

Đường Đồng Khởi được quy hoạch thành phố đi bộ. Ảnh: LONG THANH

Theo chuyên gia này, hiện nay TP đang xây dựng những công trình ngầm trong đó có trung tâm thương mại ngầm tại khu vực đường Lê Lợi, chợ Bến Thành, nhà hát TP… thuộc dự án metro. Khi những công trình này đi vào hoạt động, mới có thể triển khai phố đi bộ.

Tuy nhiên lúc đó cũng phải tính tới những điểm giữ xe cho người dân ra vào khu vực phố đi bộ. Như vậy ít nhất phải 3-5 năm nữa TP mới có thể hình thành được những phố đi bộ. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, không phải đợi đến lúc đó mới đưa phố đi bộ vào hoạt động, mà ngay từ bây giờ có thể tập thói quen đi bộ cho du khách, người dân ở những nơi có thể triển khai như khu vực Nhà thờ Đức Bà.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư