Top

Phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu dài hạn

Cập nhật 23/02/2015 07:08

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng phát triển nhà ở xã hội không chỉ trong một vài năm mà là lâu dài và mục tiêu người hưởng lợi chính là người dân.

Ảnh minh họa

Những năm qua, sự ra đời và phát triển loại hình nhà ở xã hội là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các Bộ ngành, của các địa phương, đáp ứng một phần nhu cầu còn rất lớn của người dân. Cho đến hết năm 2014, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng 20.277 căn hộ. Qua đó, phát triển thêm khoảng 0,8 triệu m2 nhà ở xã hội (tương đương khoảng 12.000 căn hộ), đưa tổng diện tích nhà ở xã hội toàn quốc đạt khoảng 1,8 triệu m2.

Hiện tại, có 150 dự án đang tiếp tục triển khai, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội mới đang ở giai đoạn đầu, đang hoàn thiện chính sách, đặc biệt là sau Nghị định 188, Luật Nhà ở có 1 chương về nhà ở xã hội, trong đó có quy định rõ đối tượng được mua nhà ở xã hội, những chính sách hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội. Đây là hành lang pháp lý hết sức quan trọng, là môi trường để huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

“Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ trong một vài năm, không chỉ trong ngắn hạn mà lâu dài. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta mới khoảng 2.000 USD/người/năm. Chúng ta đang rất cần nhà ở xã hội, kể cả những nước thu nhập 50.000 USD/người/năm họ vẫn đang phát triển nhà ở xã hội và cần có sự hỗ trợ”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tầu, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Phần lớn công nhân phải thuê nhà ở trong khu dân cư, đời sống rất khó khăn, tạm bợ... nhưng hiện có rất ít doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân thuê.

Vì vậy, trong năm 2015, các dự án nhà ở xã hội sẽ tiếp tục được tạo điều kiện phát triển trong đó vai trò của địa phương ngày càng rõ nét và quan trọng.

Theo người đứng đầu ngành Xây dựng, các địa phương phải xây dựng được chương trình phát triển nhà ở xã hội. Sau đó, kêu gọi các nhà đầu tư để họ tập trung vào các dự án để phát triển và Nhà nước, trong đó có các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tạo mọi điều kiện theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp được phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, hỗ trợ cho người dân có đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng ưu đãi.

“Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng hay gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp, ưu đãi là một chương trình lâu dài nhưng phải đúng đối tượng, chứ không thể dùng tiền này sai đối tượng được. Nhưng cũng không phải vì thế mà chậm, và hết gói này, có thể Chính phủ sẽ yêu cầu tiếp tục phải có một gói khác để cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội vay, người đầu tư nhà ở xã hội được vay”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Chính phủ