Top

Ông Nguyễn Trần Nam: "Trong 2-3 năm tới vẫn chưa thể đánh thuế căn nhà thứ hai"

Cập nhật 16/11/2016 15:33

Tại hội thảo Thị trường BĐS Việt Nam 2016 chủ đề "Xây dựng tương lai" diễn ra sáng nay ở TP.HCM, ngoài việc phân tích thị trường BĐS trong năm 2017 có xuất hiện bong bóng hay không, các chuyên gia còn xoáy sâu vào việc đánh thuế căn nhà thứ 2.


Theo đó, đây là việc làm cần phải cân nhắc thật kỹ các phương án nhằm tránh tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường đang trong trạng thái đi ngang.

Theo báo cáo của công ty Savills Việt Nam, không chỉ diễn ra sôi nổi ở phân khúc căn hộ, mà hầu hết các mảng thị trường bất động sản Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh trong cả 3 quý qua.

Trong quý 2 và quý 3/2016, tổng nguồn cung căn hộ dịch vụ đạt khoảng 4.540 căn từ 83 dự án. Riêng phân khúc biệt thự và nhà ở liền kề, tại TP.HCM với sự ra mắt của 5 dự án mới cung cấp cho thị trường sơ cấp 1.100 căn. Nguồn sơ cấp đạt khoảng 3,800 căn, tăng 128% so với năm 2015. Lượng giao dịch ở phân khúc biệt thự và nhà liền kế tăng 49% theo quý và 193% theo năm nhờ khả năng tiếp thị bán hàng của những dự án mới.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - Tổng Giám đốc công ty BĐS Tiến Phước, trong quý 4/2016 sẽ ghi nhận hoạt động mở bán sôi động ở cả phân khúc căn hộ, biệt thự/nhà phố. Thị trường có sức hút, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn trở lại và thị trường có tính thanh khoản cao.

"Tôi cho rằng để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường, Chủ đầu tư có thể niêm yết chính thức giá bán, không khuyến khích khách hàng mua đầu tư số lượng lớn, các chính sách bán hàng như phương thức thanh toán, hỗ trợ ngân hàng nên hướng đến người sử dụng cuối cùng, nhằm đảm bảo tính minh bạch cho thị trường", bà Phương nói thêm.

Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, mặc dù thị trường hiện nay vẫn chưa có một con số thống kê chính xác đáng tin cậy, nhưng nhìn chung phân khúc căn hộ cao cấp đa số khách hàng mua để đầu tư và cho thuê.

Bởi vì các nghiên cứu cho thấy có trên 20% số người giàu tại Việt Nam đều đã có nhà cửa, nên việc mua căn nhà thứ hai cũng nhắm đến mục tiêu đầu tư là chính. Còn lại 80% người có nhu cầu nhà ở thật thuộc về phân khúc trung bình.

"Một xu hướng đang diễn ra khá mạnh mẽ là cộng đồng người Việt Nam tại các nước đang muốn đầu tư vào nhà ở trong nước, đặc biệt khi chúng ta chưa thực thi chính sách đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ hai như nhiều nước đã làm", ông Nam nói.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM mới đây, cho thấy trong 9 tháng qua riêng TP.HCM đã đón nhận hơn 3,2 tỷ USD kiều hối, tăng 4% so với cùng kỳ (350 triệu USD). Dự đoán lượng kiều hối chuyển về trong quý 4 vào khoảng 2,4-2,5 tỷ USD, đưa lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP.HCM trong năm 2016 vào khoảng 5,7-5,8 tỷ USD. Trong đó lượng kiều hối chuyển về chủ yếu vẫn đến từ Mỹ và châu Âu, phần lớn tập trung vào mảng BĐS.

Cũng theo ông Nam, tại Việt Nam, để sở hữu ô tô còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi giá trị của ô tô rẻ hơn BĐS thì không lẽ nào hàng hóa đặc thù này không bị đánh thuế. Ô tô thì có thể có hoặc không, nhưng nhà ở thì ai cũng hướng tới.

Ngôi nhà sở hữu đầu tiên không đánh thuế vì là nhu cầu thiết yếu, nhưng sở hữu ngôi nhà thứ 2 trở lên đã được xem như người giàu nên phải tiến hành thu thuế. Không thể có nhiều căn nhà bỏ hoang, cho thuê mà không có trách nhiệm với Nhà nước. Cho nên việc áp dụng sắc thuế này là hoàn toàn cần thiết.

Tuy nhiên, trong thời gian khi ông Nam còn đương chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì dự thảo chính sách này cũng đã một vài lần trình lên Chính phủ xem xét nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Do đó, trong tình hình hiện nay, ông Nam cho rằng 2-3 năm tới chính sách đánh thuế căn nhà thứ 2 vẫn vẫn chưa được thực thi, sức mua của thị trường sẽ tiếp đà tăng cao.

Nói về chính sách định hình thị trường BĐS trong thời gian tới ra sao, theo ông Nam có khả năng Chính phủ sẽ thực hiện chính sách theo hướng "rà phanh". Tức là, thị trường đang được cho là lệch pha lớn khi nguồn cung cao cấp nhiều hơn, quy mô các dự án ngày càng lớn với hàng chục nghìn căn hộ/dự án...lập tức Chính phủ sẽ có những giải pháp điều tiết hợp lý nhưng không tạo cú sốc nào.

Thứ hai, tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại vẫn đang trong ngưỡng an toàn nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng phải cảnh báo và nhắc nhở các ngân hàng thương mại không nên cho vay quá mức vào lĩnh vực BĐS và không được quá tập trung vốn vào một số chủ đầu tư địa ốc. Do vậy trong thời gian tới dòng tiền sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ