Top

Nước mắt những “đại gia chân đất”

Cập nhật 09/08/2012 15:50

Khi những dự án “mon men” đến từng chân ruộng, người nông dân “một nắng hai sương” trở thành những "đại gia chân đất"

Hàng trăm dự án tại Hà Nội được phê duyệt ồ ạt cách đây vài năm. Hàng chục nghìn người dân khấp khởi mừng thầm khi mảnh đất tổ tiên sắp biến thành những khu đô thị hiện đại, lộng lẫy. Thế nhưng, sự thật của câu chuyện này ra sao? Bức tranh dự án vàng, biệt thự, chung cư, trung tâm mua sắm xa hoa giờ thế nào?

Đằng sau những ngôi nhà tiền tỷ một thời “lột xác” từ làng lên phố là không ít những tiếng thở dài.

Những cuộc “đại lột xác”

Những năm 2008 – 2009, thị trường BĐS “sốt hầm hập” đã kéo theo nhiều làng quê vào guồng quay thịnh vượng của thời “tấc đất, tấc vàng”. Mỗi dự án đi qua mang theo những cuộc “đại lột xác” cho người nông dân một bước trở thành đại gia.

Sau những thửa ruộng được “đóng mác” dự án, những ngôi làng cũng được “cộp dấu” làng tỷ phú. Nằm gọn trong dự án khu đô thị Thanh Hà CIENCO 5, xóm Thượng, xã Cự Khê, Thanh Oai (Hà Nội) chỉ vỏn vẹn khoảng 300 hộ nhưng tiền đền bù lên tới hơn 800 tỷ đồng đã làm xôn xao cả vùng quê. Cuộc “lột xác” bắt đầu từ mái nhà, với những biệt thự nhà lầu đua nhau mọc lên khắp xóm, rồi đến những xe “khủng” (Air Blade, SH...) cũng được nhanh chóng “nhập khẩu” về làng. Đó là câu chuyện của 3 năm về trước, ngày nay tìm về với xóm Thượng đằng sau những ngôi nhà tiền tỷ một thời là không ít những tiếng thở dài.

Cũng như xóm Thượng ngày nào, làng bún Phú Đô (Mễ Trì – Từ Liêm – Hà Nội) cũng đón nhận sự lột xác từ quy hoạch với những dự án quốc gia lớn. Đi theo những khối tiền tỷ được đền bù không chỉ có nhà sang, xe đẹp mà còn là dãy dài những thú vui của những đại gia mới rút chân lên khỏi đất ruộng từ đánh bài, lô đề, bồ bịch đến gái gú, hút xách... khiến cho nhiều gia đình “tan đàn xẻ ghé”.

Những ngày này, Phú Đô lại đang xôn xao với đợt đền bù mới. Đã có những ngôi nhà đã bắt đầu “rục rịch” được đào móng, lên khuôn. Nhưng cũng có những câu chuyện kéo dài từ những dự án đền bù trước đó đến tận ngày đền bù hôm nay.

Trong cơn lốc đô thị hóa, người nông dân như bị “bội thực” trong số tiền được đền bù từ việc thu hồi đất phục vụ cho những dự án.

Nước mắt sau những chân ruộng


Sau khi nhận được khoản đền bù “kếch xù” từ những năm 2009, ngoài ngôi nhà 3 tầng, 2 chiếc xe tay ga thì gia đình chị Lan (Phú Đô – Mễ Trì) “dắt” thêm khoản nợ cũng “kếch xù” không kém tiền đền bù – 5 tỷ đồng từ những cuộc đỏ đen cá độ của cả 2 vợ chồng và cậu cả. Số tiền 4 tỷ đồng được đền bù trong lần tới đây vẫn không đủ “đập” vào số tiền nợ, gia đình còn phải cắt đất thổ cư để bán.

Bước vào những căn nhà sang trọng của những gia đình trước kia vốn là những “trọc phú” thì nay trống hơ trống hoác đồ đạc, xe hơi lần lượt đội nón ra đi chẳng có gì đáng giá ngoài xác nhà. Có gia đình phải khăn gói chạy nợ sau những tháng ngày “vung tiền quá trán”.

Người nông dân không còn đất ruộng họ chuyển sang chạy chợ kiếm cơm trong khi đó nhiều thanh thiếu niên vẫn thất nghiệp chưa tìm được đầu ra cho chính mình.

Nhìn những chân ruộng um tùm cỏ hoang trong những dự án trên đường Lê Trọng Tấn người nông dân khẽ lắc đầu rồi buông tiếng thở dài: “Nhận được tiền đền bù nông dân chúng tôi vừa mừng, lại vừa lo. Đó là số tiền mà có khi chúng tôi làm ruộng cả đời chắc gì đã có. Nhưng bây giờ lại thêm nhiều người thất nghiệp chẳng biết làm ăn gì cho được lâu dài?”.

Trong cơn lốc đô thị hóa, đâu là lời giải cho bài toán để người nông dân không “bội thực” trong số tiền được đền bù từ việc thu hồi đất phục vụ cho những dự án?

Để hỗ trợ nông dân nhiều nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, Bộ LĐTB-XH đang xây dựng dự thảo “cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất nông nghiệp” trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tạo việc làm trong nước và sẽ được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài nếu có nhu cầu. Cụ thể, lao động được hỗ trợ 100% học phí học nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định, được hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa và lý lịch tư pháp khi đi xuất khẩu lao động. Thậm chí, lao động còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất khẩu lao động.



DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet