Top

Nỗi lo “bà hỏa” tại nhà cao tầng

Cập nhật 17/06/2017 08:42

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn 79 công trình cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, quyết liệt trong xử lý vi phạm, nhưng đến nay việc khắc phục của các chủ đầu tư vẫn rất chậm. Vì thế, nỗi lo khi bị “bà hỏa” ghé thăm bất cứ lúc nào đang thường trực với nhiều người dân trong mùa hè nắng nóng này…


Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà Keangnam (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Khánh Huy

Chủ đầu tư thiếu nghiêm túc

Dù chung cư VP3 - Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã được đưa vào vận hành từ nhiều năm, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Điều này khiến cư dân sinh sống ở đây luôn nơm nớp nỗi lo. Anh Vũ Quốc Thưởng (37 tuổi), cư dân sinh sống tại chung cư VP3 chia sẻ: "Cứ đến mùa nắng nóng, điều chúng tôi lo lắng là không đủ nước sinh hoạt và nếu xảy ra cháy nổ sẽ xử lý ra sao, vì đến nay chung cư chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, trong khi các trụ nước xung quanh đều có dấu hiệu xuống cấp". Trước đó, trong buổi làm việc với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội (tháng 8-2016), chủ đầu tư cam kết hoàn thiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại chung cư VP3 vào cuối tháng 10-2016, tuy nhiên, cam kết đó không được chủ đầu tư thực hiện.

Trong tình cảnh tương tự, cư dân sinh sống trong tòa nhà Capital Garden (phường Phương Mai, quận Đống Đa) cũng chung một mối lo. Ông Lương Ngọc Tú, Trưởng ban Quản lý chung cư Capital Garden thừa nhận, tòa nhà chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Ngày 31-5 vừa qua, tại tầng 15 của tòa nhà đã xảy ra một vụ hỏa hoạn, nhưng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động tại đây không hoạt động. Chỉ đến khi khói bay ra hành lang, người dân mới biết và hoảng loạn bỏ chạy. Quá bức xúc vì sau nhiều lần kiến nghị nhưng chủ đầu tư không phản hồi, ngày 12-6 vừa qua, nhiều cư dân đã căng băng rôn phản đối và yêu cầu được đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư.

Theo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 79 công trình còn vi phạm quy định về an toàn phòng cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trong số này có một công trình đã thi công nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế; 78 công trình đã đưa vào hoạt động, được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Nhận xét về thực trạng này, Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội) cho rằng, do quy định xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa đủ răn đe nên việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và khi đưa công trình vào hoạt động của các chủ đầu tư vẫn chưa cao. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý chây ỳ, không khắc phục những thiếu sót.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các nhà chung cư, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội đã tổ chức 5 buổi làm việc với chủ đầu tư của 90 dự án công trình nhà cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời yêu cầu các đơn vị cam kết khắc phục tồn tại. Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, đến nay có 19 dự án khắc phục xong, đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng theo quy định.

Trong thời gian tới, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị còn lại thực hiện đúng cam kết, bảo đảm an toàn theo quy định. Ngoài ra, ngành tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong đầu tư xây dựng đối với nhà chung cư, công trình xây dựng; phối hợp với các sở, ban, ngành giải quyết tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng, giao thông, nguồn nước, tài chính, các công trình tái định cư. Đặc biệt ngành này cũng có những biện pháp khá quyết liệt để tạo hiệu quả mới trong công tác quản lýphòng cháy, chữa cháy. "Chúng tôi đã đăng tải danh sách các chủ đầu tư và công trình vi phạm lên website của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy và các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, khuyến cáo người dân không mua nhà, không vào ở tại các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy" - Trung tá Phạm Trung Hiếu cho hay.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội cho biết, ngành sẽ triển khai một số chuyên đề, trong đó việc giải quyết triệt để những tồn tại, bức xúc trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, công trình cao tầng. Hiện Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố Nghị quyết về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và Chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực để thông qua vào thời gian tới. "Đây là giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy" - Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định.

Ngoài ra, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tiếp tục triển khai Kế hoạch 88/KH-UBND ngày 4-4-2017 của UBND thành phố về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ cao để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cùng với đó là tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy...

Để góp phần "chung sức" với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy trong công tác này, rất cần sự thay đổi nhận thức của người dân cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Có như vậy mới vơi đi nỗi lo “bà hỏa” ghé thăm các chung cư, nhà cao tầng.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới