Top

Những khó khăn khi khách hàng tham gia quản lý dòng vốn

Cập nhật 22/08/2013 11:20

Sau dự án Usilk City tại Hà Đông, hiện tại đã có thêm hai dự án ở Hà Nội đang thử áp dụng mô hình chủ đầu tư và khách hàng cùng quản lý dòng vốn là Emico và chung cư Hạ Đình. Nhiều người dân kỳ vọng, hình thức quản lý dòng vốn này sẽ giúp các dự án đang đắp chiếu hiện nay nhanh chóng hoàn thành. Thế nhưng, xung quanh hình thức này cũng có nhiều khó khăn cần bàn  đến.

Chung cư Emico (Mễ Trì, Từ Liêm) do Tổng công ty phát triển phát thanh truyền hình thông tin (Emico) làm chủ đầu tư. Theo thỏa thuận Hợp đồng ký kết, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao nhà cho khách hàng vào chậm nhất là quý I năm 2012. Nhưng đến nay, quá mốc bàn giao chậm nhất hơn 1 năm, dự án vẫn ngổn ngang do chủ đầu tư không có năng lực tài chính để triển khai. Ngày 15/8, hội nghị khách hàng mua nhà tại dự án Emico đã diễn ra và nhiều khách hàng đề xuất mô hình quản lý dòng tiền do chủ đầu tư và khách hàng cùng áp dụng như tại Usilk City.Chung cư Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây cũng đưa ra phương án, khách hàng mua sẽ nộp 100% tiền vào ngân hàng Baovietbank. Nếu dự án chậm tiến độ ngân hàng sẽ hoàn tiền và phí phạt cho khách hàng. Có thể nói, mô hình quản lý dòng tiền giữa ba bên, ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng đang được khá nhiều dự án quan tâm, học hỏi.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Huy Cường - Văn phòng Công chứng Lạc Việt cho rằng, khi người dân đã đóng đến 80% số tiền mua nhà, nếu chủ đầu tư chắc chắn sử dụng số tiền còn lại để hoàn thiện nốt thì việc người dân bỏ thêm ít tiền nữa để làm theo cách này tôi nghĩ là họ sẵn sàng thôi, chủ yếu là sự đồng thuận với doanh nghiệp. Khi người dân bỏ tiền vào, thì phải được quyền quản lý dòng tiền đó để xem chủ đầu tư sử dụng dòng tiền có đúng hay không.

Tuy nhiên, có thể thấy, những dự án có thể áp dụng mô hình quản lý dòng tiền kể trên đều là những dự án đã xây hoàn thiện phần lớn công trình như xây xong thô, hoặc xong 2/3 công trình. Còn tại những dự án dở dang, mới xây xong móng, thì những khách hàng đã trót góp vốn khó có thể áp dụng mô hình quản lý này. Bên cạnh đó, mô hình khách hàng tham gia quản lý dòng tiền không phải dễ nhận được sự đồng thuận của tất cả các khách hàng.

Mặc dù mô hình quản lý dòng tiền đang được nhiều khách hàng, thậm chí đại diện cơ quan quản lý đánh giá cao, có thể giúp nhiều dự án thoát khỏi tình trạng bế tắc, đắp chiếu kéo dài, tuy nhiên, để áp dụng chung cho toàn thị trường, cần có những giải pháp chặt chẽ hơn xuất phát từ các cơ quan quản lý.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản kiến nghị với các địa phương tạo cơ chế giúp người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận cùng triển khai dự án. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ trao đổi với Ngân hàng nhà nước thống nhất chỉ đạo các ngân hàng thương mại đồng thuận với chủ trương chưa thu hồi nợ ngay với những khoản tiền người dân tiếp tục nộp vào dự án để xây dựng nhà. Hy vọng với những nỗ lực này, tình trạng đắp chiếu tại các dự án sẽ sớm được giải quyết triệt để.

DiaOcOnline.vn - Theo VITV