Top

Những đô thị vệ tinh của TP.HCM trong tương lai

Cập nhật 03/09/2010 09:40

TP.HCM đã và đang cố gắng hiện thực hóa việc hình thành các đô thị vệ tinh như đô thị Tây Bắc Củ Chi ở phía Bắc, đô thị cảng Hiệp Phước phía Nam, khu đô thị ở phía Đông với hạt nhân là khu công nghệ cao, khu đại học quốc gia…


Tiến về phía biển (phía Nam) là một trong những hướng phát triển được xác định rõ trong quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg vào tháng 1/2010. Việc phát triển ra phía Nam không chỉ mở ra một cửa ngõ giao thương đường biển của thành phố, mà còn đưa không gian phát triển của thành phố hướng ra biển. KĐT cảng Hiệp Phước là một trong các vệ tinh quan trọng của thành phố trong tương lai gần, góp phần tổ chức lại không gian phát triển, cơ cấu lại phân khu chức năng của thành phố. Ông Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc xây dựng một KĐT gắn liền với khu công nghiệp và cảng là nhu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM. Theo quy hoạch, khi KĐT Hiệp Phước hình thành (năm 2025) sẽ có khoảng 180.000 dân, trong đó có khoảng 13.000 dân hiện hữu được tái bố trí tại chỗ.

Cùng với đô thị cảng Hiệp Phước thì khu đô thị Tây Bắc Củ Chi cũng được hình thành. Theo quy hoạch chung phát triển đô thị TP.HCM, đô thị Tây Bắc Củ Chi có diện tích khoảng 6.000ha, đây sẽ là đô thị sinh thái, hiện đại của thành phố. Đến thời điểm này quy hoạch chung 1/5000 xây dựng đô thị Tây Bắc Củ Chi đã hoàn tất. Khu đô thị được chia làm 9 khu chức năng chuyên biệt và hỗn hợp với mong muốn có được một thành phố mới với khoảng 300.000 dân, cùng đó là việc hình thành các khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại, khu dân cư và vui chơi giải trí. Điều đặc biệt của đô thị này là chất lượng dân cư sẽ thuộc vào loại cao với hơn 10 trường đại học và cao đẳng tập trung về đây, diện tích hơn 300ha. Tỷ lệ đất dành cho cây xanh, vườn hoa, mặt nước khá cao vào khoảng 35-40%. Nhà đầu tư đầu tiên đầu tư vào khu đô thị Tây Bắc Củ Chi là Tập đoàn Berjaya của Malaysia với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD được coi là dự án đầu tư lớn nhất TP.HCM từ trước đến nay. Dự án của tập đoàn này đang trong giai đoạn thiết kế, thời gian bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 2011 và hoàn tất các hạng mục trên diện tích 1.000ha vào năm 2021.

Khu đô thị phía Đông TP.HCM có hạt nhân là khu công nghệ cao với quy mô 872ha, khu đại học quốc gia có quy mô 800ha, công viên văn hoá lịch sử dân tộc quy mô 395ha… Đây được xem là khu đô thị khoa học - công nghệ. Dự án nằm trong hướng phát triển không gian đô thị chủ đạo của TP.HCM và ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách trung tâm thành phố 15km. Tổng diện tích đầu tư xây dựng của dự án là 913,16ha. Trong tương lai, Khu công nghệ cao TP.HCM được xây dựng hoàn chỉnh và nối kết với khu đại học quốc gia tạo thành khu khoa học công nghệ Đông Bắc thành phố. Cùng với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, Khu quần thể lịch sử văn hoá dân tộc và Khu công nghiệp cảng Cát Lái, khu vực này sẽ trở thành vùng phát triển đô thị hiện đại phía Đông của thành phố. Để thúc đẩy quá trình đầu tư phát triển các khu đô thị vệ tinh ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết rất cần Nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các đô thị vệ tinh. Bất tiện về giao thông đang là cản ngại lớn nhất cho sự phát triển của các đô thị hiện nay, ông Châu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào việc hình thành các đô thị vệ tinh. Có thể miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ các DN giải phóng mặt bằng…

DiaOcOnline.vn - Theo VEN