Những bất ổn tại chung cư HUD3 Tower

Cập nhật 12/07/2018 14:08

Được bầu ra để điều hành các hoạt động chung, đảm bảo quyền làm chủ cũng như đại diện cho cư dân; tuy nhiên, tại chung cư HUD3 Tower, người dân vô cùng bức xúc về việc Ban Quản trị (BQT) thiếu minh bạch trong tài chính và một số vấn đề khác của tòa nhà.


Cư dân chung cư HUD3 Tower tố Ban quản trị tòa nhà thiếu minh bạch trong vấn đề tài chính. Ảnh: PV 

Mập mờ trong các khoản quỹ

Phản ánh tới Báo Lao Động, tập thể cư dân chung cư HUD3 Tower, địa chỉ 121-123 Tô Hiệu, Hà Đông (Hà Nội) “tố” BQT không công khai minh bạch về hoạt động, thu-chi tài chính và cung cấp dịch vụ tại tòa nhà.

Theo đó, BQT chung cư HUD3 Tower được thành lập tại Quyết định số 5177/QĐ-UBND ngày 30.6.2016 của UBND quận Hà Đông. Trong suốt thời gian hoạt động (từ tháng 6.2016 đến nay) BQT đã không hoàn thành nhiệm vụ được cư dân và chính quyền giao phó, gây bức xúc lớn trong toàn thể cư dân, vi phạm các quy định về quản lý, vận hành tòa nhà chung cư.

Cụ thể, BQT đã không tuân thủ việc sử dụng quỹ bảo trì của tòa nhà, việc bảo trì các thiết bị phần sở hữu chung không theo quy trình bảo trì, kế hoạch bảo trì không được thông qua hằng năm tại hội nghị cư dân.

Mỗi tháng tiền bảo trì các hệ thống thang máy, máy phát điện dự phòng, hệ thống phòng cháy chữa cháy là khá lớn (năm 2017 chi trả bảo trì là 690 triệu, 5 tháng đầu năm 2018 là 269 triệu). Việc bảo trì các hệ thống này không được tách bạch với việc bảo dưỡng hằng tháng do đơn vị vận hành đảm nhận.

Tuy nhiên BQT đã không bóc tách rõ các phần việc, lập lờ giữa bảo trì và bảo dưỡng để rút tiền bảo trì của cư dân. Những công việc thuộc phần bảo dưỡng thì không được phép sử dụng quỹ bảo trì để chi trả mà dùng từ tiền phí dịch vụ hằng tháng cư dân đóng cho đơn vị vận hành, quỹ bảo trì chỉ dùng để thanh toán các khoản thuộc kinh phí bảo trì đã được hội nghị cư dân thông qua hằng năm.

Mặt khác, BQT đã không soạn thảo quy chế chi tiêu của tòa nhà theo đúng quy định của pháp luật. Trong suốt thời gian hoạt động, dù tòa nhà có phát sinh nhiều khoản thu từ các nguồn tiền khác nhau nhưng BQT cố tình không soạn thảo quy chế thu-chi cũng không thông qua ý kiến cư dân mà tự ý sử dụng các khoản tiền vãng lai cho mục đích cá nhân, không phải các chi phí hợp lý như chi nghỉ mát, hỗ trợ tổ phụ nữ, chi tiền bồi dưỡng họp BQT cùng các khoản chi không phục vụ cho cộng đồng. Điều này thể hiện sự khuất tất trong công tác tài chính của BQT, đồng thời cho thấy việc cố trình trì hoãn ban hành quy chế chi tiêu, lạm dụng chức vụ và quyền hạn rút ruột tiền của tòa nhà, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Nhà ở và quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD.

Khả năng quản lý yếu kém

Nghiêm trọng hơn, BQT đã có sự khuất tất trong việc gửi quỹ bảo trì tại ngân hàng. Thường xuyên để tồn dư quỹ tiền mặt lên tới vài trăm triệu, không được phép rút tiền mặt từ quỹ bảo trì, quỹ bảo trì phải gửi ngân hàng để phát sinh tiền lãi phục vụ cư dân, đồng thời các khoản thanh toán phải được thanh toán qua chuyển khoản tại ngân hàng kèm theo các hồ sơ thanh toán hợp lý.

Ban quản trị chậm trễ trong việc gửi tiền tại ngân hàng, đồng thời có những giao dịch rút tiền mặt tại ngân hàng không hợp lý cho thấy khả năng quản lý tài chính yếu kém, nguy cơ gây ra những thất thoát tiền bạc của cư dân.

Ngoài ra, tại tài khoản tiết kiệm gửi ngân hàng từ tiền quỹ bảo trì và quỹ ban quản trị, có sổ tiết kiệm 100 triệu đứng tên chủ tài khoản La Hoài Minh (Trưởng ban quản trị) và sổ tiết kiệm 1,5 tỉ đồng đứng tên Vũ Thu Trang. Việc lập sổ tiết kiệm đứng tên cá nhân gây rủi ro thất thoát rất lớn tiền của
cư dân.

BQT đã không quan tâm đến các yêu cầu chính đáng của cư dân về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, an ninh của tòa nhà như vấn đề nước sạch gần đây liên tục bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, vấn đề phòng cháy chữa cháy, lắp thẻ từ thang máy chưa được hoàn thiện… Bên cạnh đó, BQT đã không tiến hành mua bảo hiểm cháy nổ phần diện tích chung theo quy định của pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động