Top

Nhiều dự án lách luật huy động vốn

Cập nhật 23/07/2018 10:52

Theo luật Kinh doanh bất động sản, một dự án chỉ được mở bán khi đã làm xong móng (đối với chung cư), xong hạ tầng (đối với dự án thấp tầng) và phải có văn bản chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng địa phương.

Mới quây hàng rào, Công ty Đất Xanh đã đem bán cho khách hàng. SƠN SƠN

Cứ công bố là nhận cọc

Thời gian qua rất nhiều dự án chưa làm gì đã được chủ đầu tư mang ra bán.

 Đơn cử như dự án Gem Riverside (quận 2, TP.HCM) được Công ty Đất Xanh (DXG) mở bán rầm rộ thời gian gần đây dù chưa làm móng. Theo thông tin từ phía Đất Xanh, tại cuối buổi lễ mở bán gần đây 98% số căn hộ "bung" ra đã có chủ. Đất Xanh không trực tiếp ký hợp đồng với khách hàng mà thông qua một công ty môi giới có tên Khang Hưng, công ty con của Công ty Đất Xanh.

Dự án Gem Riverside tại thời điểm công bố bán căn hộ vừa qua mới chỉ là một bãi đất trống, được quây kín, bên trong dự án vẫn chưa đào móng. 3 tháng kể từ ngày diễn ra buổi công bố bán căn hộ, phóng viên Báo Thanh Niên có mặt tại dự án Gem Riverside, bên trong cũng mới bắt đầu đang thi công cọc nhồi, nhưng việc thi công khá chậm chạp. Bảo vệ ở đây cũng “cấm”, ngăn cản phóng viên quay phim, chụp hình.

Tương tự, dự án Samsora Riverside (tỉnh Bình Dương) do Công ty SamLand làm chủ đầu tư và Công ty Đất xanh Premium làm đơn vị phân phối đã bán hết từ lâu nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn làm móng và chưa có xác nhận của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho bán hàng, huy động vốn.

Hình ảnh bên trong dự án Gem Riverside. SƠN SƠN

Đến trực tiếp tại trụ sở Công ty Đất xanh Premium tại số 616 Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, một nhân viên kinh doanh nữ tên Lâm xác nhận: “Dự án Samsora Riverside đã được cọc gần hết ngay từ buổi công bố bán căn hộ”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại người dân mua căn hộ tại dự án đã đóng khoảng 3 đợt, khoảng gần 30% giá trị căn hộ.

Cũng như các dự án trên, ngày công bố bán căn hộ, dự án cũng chưa xây dựng mà chỉ mới quây hàng rào, xây dựng căn hộ mẫu và mô hình của dự án. Đến nay sau khoảng 6 tháng kể từ ngày công bố bán căn hộ, hiện dự án cũng chỉ đang xây dựng ở phần móng.

Huy động trái phép hàng trăm tỉ đồng

Tại dự án De La Sol (quận 4) do Công ty Việt Hưng Phú (100% vốn của CapitaLand - Singapore) làm chủ đầu tư dù chưa có giấy phép xây dựng phần thân nhưng chủ đầu tư đã ký bán cho khách hàng từ đầu tháng 6.2018 bằng “phiếu đặt chỗ có hoàn lại”, với số tiền 100 triệu đồng/căn hộ. Ngay sau đó, Công ty Việt Hưng Phú tiếp tục thu của khách hàng từ 10 - 20% giá trị căn hộ. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng phải đóng thêm từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/căn hộ. Với 870 căn hộ, chủ đầu tư đã huy động trái phép không dưới 400 tỉ đồng.


Dự án De La Sol của nhà đầu tư nước ngoài cũng dính nghi án huy động vốn trái luật. SƠN SƠN

Công ty CapitaLand cũng đang dính “bê bối” thi công ẩu tại dự án d’Edge Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) khi làm sập nhà dân và bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công khắc phục hậu quả.

Mới đây tại dự án Thắng Lợi Riverside Market (tỉnh Long An) dù mới trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý và chuẩn bị làm hạ tầng nhưng chủ đầu tư đã chia lô và nhận đặt cọc giữ chỗ từ tháng 2.2018. Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết đã cho đình chỉ dự án này để làm rõ các sai phạm liên quan, nhất là việc chủ đầu tư chưa được cơ quan nhà nước cấp giấy phép xây dựng đã triển khai thi công và bán hàng.


Dự án Thắng Lợi Riverside Market bị cơ quan chức năng tuýt còi vì xây dựng chưa có phép và huy động vốn trái luật
C.T.V

Theo luật sư Nguyễn Vân Trường, Đoàn luật sư TP.HCM, luật Kinh doanh bất động sản đã quy định khá rõ, chỉ khi nào dự án làm xong móng, xong hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc khi các công ty bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc", đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Tuy nhiên thực tế, nhiều chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, xem thường pháp luật đã làm liều huy động vốn trái luật. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án thời gian qua dù thu tiền đến 95% giá trị căn hộ nhưng không giao được nhà cho khách hàng. Thậm chí nhiều chủ đầu tư còn đem dự án đã bán cho khách hàng mang cầm cố ngân hàng, khiến người mua nhà điêu đứng. 


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên